Dữ liệu từ trang BankRegData cho thấy JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo - 4 ngân hàng lớn nhất (Big 4) theo tiền gửi và tài sản tại Mỹ - có tổng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 là khoảng 88 tỷ USD.
Con số này chiếm khoảng 44% tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng Mỹ. Đây là tỷ trọng lớn nhất ít nhất kể từ năm 2015 – theo tờ Financial Times.
Tính thêm US Bank, PNC và Truist, 7 nhà băng lớn nhất về tiền gửi tại Mỹ chiếm gần 56% lợi nhuận ngành ngân hàng Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay. Tỷ lệ này tăng từ 48% cùng kỳ năm 2023.
Dữ liệu trên được tổng hợp từ báo cáo lợi nhuận gửi lên Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) – cơ quan quản lý ngân hàng ở Mỹ – và chỉ gồm lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ.
Dù số liệu này không phản ánh toàn bộ các số liệu kinh doanh của ngân hàng công bố với nhà đầu tư, nhưng cũng cho thấy yếu tố quy mô có vai trò ngày càng quan trọng đối với các nhà băng trong bối cảnh một loạt chi phí từ quản lý, công nghệ, tiếp thị và vận hành đều tăng lên. Những nhà băng quy mô lớn với cơ sở khách hàng lớn có thể chia nhỏ các khoản chi phí này sang cho khách hàng dễ dàng hơn.
“Khi một nhà băng tụt lại xa phía sau các ngân hàng lớn nhất, thì họ rất khó thực hiện các khoản đầu tư cần thiết và nhận được sự công nhận tương tự”, chuyên gia ngân hàng Chris Kotowski, nhận xét. “Chúng ta đang ở trong một xã hội di động hóa, đặc biệt kể từ sau Covid-19. Ví dụ những người chuyển từ New York tới sống tại Florida liệu có thực sự cần chuyển ngân hàng mà họ đang dùng ở New York không?”.
Hệ thống ngân hàng Mỹ được đánh giá là có sự phân mảnh lớn, một phần bởi vì phải tới những năm 1980 các hạn chế với hoạt động ngân hàng liên bang mới được gỡ bỏ. Trong bối cảnh nhóm ngân hàng lớn nhất chiếm vị thế thống trị toàn ngành, nhiều người kêu gọi các nhà băng nhỏ hơn hợp nhất để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đàm phán cho các thương vụ này diễn ra chậm chạp những năm qua. Nhiều chuyên gia hy vọng điều này sẽ thay đổi với các chính sách thông thoáng hơn dưới chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Bob Diamond, cựu giám đốc điều hành ngân hàng Barclays, dự báo số lượng ngân hàng Mỹ có thể giảm một nửa trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, theo ông, đối thủ cạnh tranh chính của các nhà băng lớn giờ đây bao gồm cả các công ty ngoài lĩnh vực ngân hàng như doanh nghiệp tín dụng tư nhân, công ty công nghệ với các dịch vụ tương tự ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng như Apollo, Affirm và Rocket Mortgage ngày càng có vai trò quan trọng và sức ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, người mua nhà và người tiêu dùng tại Mỹ.
Trên thị trường vay thế chấp mua nhà, doanh nghiệp phi ngân hàng đang nắm giữ hơn 50% các khoản vay mua nhà tại Mỹ. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với 11% vào năm 2011.
Trong thư gửi cổ đông thường niên gần đây, ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng JPMorgan, nói rằng hãng công nghệ Apple đang hoạt động giống như một nhà băng với các dịch vụ quản lý tiền, chuyển tiền và cho vay. Ông gọi Apple là một đối thủ và cũng là một đối tác của JPMorgan. Hồi tháng 9, ngân hàng này được cho là đang thảo luận để mua lại mảng tín dụng Apple Card của Apple.