Theo tờ The Business Times, sau hơn một thập kỷ để các gã khổng lồ tự do bành trướng, các cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ đã tăng cường giám sát hoạt động của Big Tech. Được khởi động dưới thời chính quyền của hai tổng thống Donald Trump và Joe Biden, 5 vụ kiện lớn từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đang tiến hành chống lại các công ty công nghệ.
Lần gần đây nhất là vào tháng 3, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã cáo buộc Apple, nhà sản xuất iPhone lạm dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực điện thoại thông minh cao cấp. Trên thực tế, Washington phần lớn giữ im lặng về các vụ kiện của Big Tech kể từ cuộc chiến với Microsoft bắt đầu vào những năm 1990 và vụ kiện này đã kết thúc bằng một thỏa thuận vào đầu những năm 2000.
LÀN SÓNG CHỐNG ĐỘC QUYỀN TẠI MỸ ẢNH HƯỞNG TỪ EU
Theo The Business Times, các vụ kiện chống độc quyền tại Mỹ bắt nguồn ảnh hưởng từ động thái tại khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, các công ty thế hệ mới cũng không ngại cáo buộc những gã khổng lồ công nghệ bao gồm Amazon và Meta đã kìm hãm sự cạnh tranh, gây hại cho người tiêu dùng và đòi hỏi quyền lợi nhằm đảm bảo những thay đổi trong hoạt động kinh doanh của họ.
Và giờ đây, các vụ kiện liên tục diễn ra, nhưng bằng cách kháng cáo, các vụ kiện có thể kéo dài tới một thập kỷ. Vụ kiện đầu tiên trong chiến dịch chống lại Google diễn ra vào năm 2020, có thể có quyết định ban đầu sớm nhất vào cuối năm nay. Không chỉ Google, hai big tech khác là Amazon và Meta cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện với FTC.
"Tháng 3/2024, EU đã phạt Apple 1,8 tỷ euro (2,6 tỷ USD) vì ngăn các dịch vụ phát nhạc trực tuyến cung cấp các tùy chọn đăng ký bên ngoài App Store".
Các vụ kiện đã thu hút sự đồng thuận từ các nhà lập pháp, song cũng là hồi chuông cảnh giác cho các ông lớn trong mọi lĩnh vực, không chỉ trong giới công nghệ. Tuy nhiên, tờ Business Times viết trong bài báo gần đây, nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp tại Mỹ và nhiều luật sư tỏ ra khá lưỡng lự, đồng thời cho rằng các vụ kiện này chưa thực sự thoả đáng về mặt pháp lý hoặc có động cơ chính trị đằng sau.
Mặc cho những phản đối của một bộ phận công chúng đối với các cáo buộc chống độc quyền, những người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) kiên quyết giữ nguyên quyết định. Họ coi đó sứ mệnh để bảo vệ người tiêu dùng.
Chủ tịch FTC, Lina Khan đã phát biểu tại một hội nghị ở Washington, do Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tổ chức, để đáp lại những lời chỉ trích: “Việc nhìn vào thực tế công bằng luôn là điều tốt thay vì đồng cảm cùng họ… Chúng tôi thực sự đang giải quyết những vấn đề gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, bao gồm chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật số (công nghệ), hoặc thậm chí hơn cả những điều đó”.
CÁO BUỘC CHỐNG ĐỘC QUYỀN CỦA CÁC NHÀ LẬP PHÁP NHẬN VỀ NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Trong một cuộc khảo sát không chính thức với 19 học giả chống độc quyền hàng đầu của Giáo sư luật, Daniel Crane của Đại học Michigan, đa số người được hỏi tin rằng các vụ kiện Big Tech của chính phủ Mỹ sẽ khá khó truy tố.
Giáo sư Daniel Crane viết: “Qua thu thập ý kiến tổng thể, công bằng mà nói hầu hết các vụ kiện của các nhà lập pháp có khả năng thắng không cao…trong đó các trường hợp của Google được coi là trường hợp dễ được giải quyết êm đẹp nhất”.
Sau phát biểu của Chủ tịch FTC, nhiều người bình luận các vụ kiện này chỉ dựa trên nền tảng pháp lý mỏng manh, theo The Business Times.
Michael Santoro, Giáo sư tại Đại học Santa Clara, người không tham gia cuộc khảo sát của Giáo sư luật Daniel Crane, cho biết: “Tôi hơi bực tức vì những vụ kiện này vì chúng có vẻ có động cơ đằng sau, thay vì dựa trên phân tích kinh tế và pháp lý tỉnh táo”.
Một giám đốc điều hành cấp cao của một gã khổng lồ công nghệ giấu tên, cũng nhận định: “cuối cùng thì họ đang đảo lộn luật chống độc quyền”.
Phát biểu tại Washington với những người đồng cấp Hoa Kỳ, bà Margrethe Vestager, Chuyên gia cạnh tranh của EU, cho biết bà ước mình đã chủ động hơn trong các quyết định chống độc quyền trước đó. “Nếu làm lại, tôi sẽ mạnh dạn hơn vì chúng tôi không có nhiều thời gian. Chúng tôi đang xem xét để xây dựng pháp lý chặt chẽ hơn”, bà nói. Đụợc biết, bà Margrethe Vestager, đã tại vị trong Liên minh châu Âu trong gần một thập kỷ, là một trong những nhân vật đẩy mạnh làn sóng kiện tụng chống lại các công ty công nghệ.
Trong quyết định mới nhất liên quan đến công nghệ, vào tháng trước, EU đã phạt Apple 1,8 tỷ euro (2,6 tỷ USD) vì ngăn các dịch vụ phát nhạc trực tuyến cung cấp các tùy chọn đăng ký bên ngoài App Store.