Tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X (2021 – 2026) kỳ họp thứ 15 (từ ngày 3 và 4/7/2024), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh như vậy.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 6 THÁNG NĂM 2024 ĐỨNG THỨ 2 ĐÔNG NAM BỘ
Báo cáo tại kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bình Phước ước đạt 7,76%, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ và thứ 18 cả nước. Kinh ngạch xuất khẩu ước đạt 2,23 tỷ USD, tăng 20% so cùng kỳ. Về thu chi ngân sách, tổng thu ngân sách đạt 5.355 tỷ đồng, tổng chi ngân sách ước đạt 7.893 tỷ đồng.
Nhận định về những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Huỳnh Phước Hằng cho rằng Bình Phước đã kịp thời triển khai các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, góp phần đưa kinh tế của tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cũng theo báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và cao tốc Bắc Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành nối Đắk Nông và Bình Phước được quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng. Đây là những dự án giao thông mang tính chiến lược nhằm kết nối thông suốt Bình Phước với hai vùng trọng điểm là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Trong định hướng phát triển theo quy hoạch tỉnh, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh Bình Phước xác định phát triển công nghiệp là trung tâm; tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có thế mạnh; phát triển nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
CHUYỂN ĐỔI XANH ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Năm 2023 là năm không ít khó khăn về kinh tế của cả nước nói chung, Bình Phước nói riêng, ngành tài nguyên và môi trường địa phương này đã cố gắng cùng với quyết tâm huy động cả xã hội vào cuộc trong tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế. Một trong những nỗ lực đó là đưa vào sử dụng phần mềm ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai trong thời gian qua.
Trong lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Phước đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện giấy phép môi trường; tăng cường giám sát chặt chẽ mùi hôi đối với các cơ sở chăn nuôi, nghiên cứu đưa các chế phẩm để khử mùi hôi; giám sát tự động đối với nhà máy có khí thải, nước thải các khu công nghiệp.
Theo thống kê, hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%; khu vực nông thôn đạt 65%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp của tỉnh đạt 95%, chất thải nguy hại đạt 99%. Ngoại trừ thành phố Đồng Xoài đã xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (công suất 100 tấn/ngày) và huyện Bù Đăng có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, các địa phương còn lại đều chưa đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh. Công nghệ xử lý tại các bãi rác chủ yếu là đốt để giảm khối lượng, sau đó đem chôn lấp. Đây là một trong những hạn chế được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Phước Trần Văn Hướng thừa nhận, tại buổi khai trương phần mềm tài nguyên và môi trường Bình Phước vừa qua.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2024 – 2030; trong đó xác định 11 danh mục hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xanh, 6 danh mục hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững ưu tiên đến năm 2030.
Các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm: 1/ Xanh hóa sản xuất với tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động và đầu tư mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%, tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 65%; 2/ Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững với tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; 3/ Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 95%, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom đạt 80%.
Kế hoạch cũng nêu rõ, Bình Phước chủ động phối hợp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với thực hiện tăng trưởng xanh.