Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam tại
Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27 diễn ra tại Bến Tre cuối tuần qua, nhằm tổng kết kết quả hoạt động khoa học công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2024, định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trong đó tập trung trao đổi, thảo luận cũng như đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại nhiều địa phương trong vùng.
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu nhận xét: Đến nay, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã được ban hành và đi vào thực tiễn; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển nhanh; nhiều giải pháp về khoa học và công nghệ ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu được tổ chức triển khai.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Có thể nói, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương và cả vùng. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng được triển khai đồng bộ và ngày càng hiệu quả.
Theo báo cáo của Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), đến nay, hoạt động khoa học công nghệ đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện rõ vai trò tạo động lực quan trọng của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm 13 tỉnh, thành: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) là khu vực kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, liền kề với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích trên 40.000 km2, dân số hơn 18 triệu người chiếm 19% dân số cả nước; là vùng có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy hải sản.
Trong thời gian qua, kinh tế xã hội của vùng tiếp tục với đà tăng trưởng cao. Năm 2023, đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP tăng 6,6%, tổng thu ngân sách nhà nước của cả vùng đạt hơn 121,0 nghìn tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 36 tỷ USD, trong đó lúa gạo đạt hơn 5 tỷ USD, thủy sản đạt hơn 6 tỷ USD, rau quả đạt hơn 2 tỷ USD.
Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch văn hóa, sinh thái sông nước, miệt vườn…
Tuy nhiên, khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện vẫn còn nhiều khó khăn đồng thời đối diện nhiều thách thức, quy mô kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 67% so với bình quân chung cả nước,…
Đặc biệt, các địa phương chịu tác động nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sông người dân. Tại đây, tình trạng mặn bất thường, hạn hán và thiếu nước thường xuyên xảy ra, nhất là các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để.
BẾN TRE HƯỚNG ĐẾN TỈNH SINH THÁI, PHÁT TRIỂN XANH
Riêng tại Bến Tre, người đứng đầu chính quyền tỉnh này cho biết luôn mong muốn được hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các tỉnh bạn về lĩnh vực khoa học công nghệ nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung nhằm giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời phát huy lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, góp phần phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Ông Trần Ngọc Tâm cam kết rằng tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành khoa học và công nghệ phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại.
Ở lĩnh vực khoa học công nghệ, những ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã góp phần đưa Bến Tre giữ vị trí 7 trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cả nước và đứng thứ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%. Song song đó, Bến Tre có 9 chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm đầu của cả nước về bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho 7 sản phẩm gồm sầu riêng, xoài tứ quý, trái chôm chôm, tôm càng xanh, cua biển, gạo và con nghêu. Như vậy, cùng với dừa xiêm xanh và bưởi da xanh, tỉnh Bến Tre đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Trước đó vào cuối tháng 5/2024, nghề nuôi và khai thác con nghêu ở Bến Tre đã được Hội đồng Quản lý biển Quốc tế (MSC) công nhận đạt chuẩn khai thác thủy sản bền vững và là lần thứ III nghêu Bến Tre đạt chứng nhận này.
Dịp này, Bộ Khoa học và Công nghệ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 – 2030, nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đưa Bến Tre trở thành tỉnh sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, là điểm sáng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong vùng.
Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành tổ chức luân phiên hai năm một lần. Hội nghị lần thứ 28 dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2026, do tỉnh Long An đăng cai.