June 21, 2023 | 18:16 GMT+7

Bình Thuận họp bàn tìm giải pháp chống "tụt hạng" PCI

Song Hoàng -

Năm 2022, Chỉ số PCI Bình Thuận đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 1,57 điểm, giảm 21 bậc so với năm 2021. Chỉ số PGI, Bình Thuận cũng đứng vị trí thấp (61/63 tỉnh, thành phố, đạt 12,75 điểm)...

Bình Thuận họp bàn tìm giải pháp chống "tụt hạng" PCI trong ngày 21/6
Bình Thuận họp bàn tìm giải pháp chống "tụt hạng" PCI trong ngày 21/6

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo; sáng ngày 21/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến báo cáo phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) năm 2022, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Chỉ số xanh tỉnh Bình Thuận năm 2023.

Chỉ số PCI Bình Thuận năm 2022 được thực hiện dựa trên điều tra cảm nhận của 123 trên 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 91 doanh nghiệp tư nhân trong nước, 30 doanh nghiệp thành lập mới và 2 doanh nghiệp FDI.

Theo công bố, năm 2022, Chỉ số PCI Bình Thuận đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 1,57 điểm, giảm 21 bậc so với năm 2021. Trong đó, có 05/10 tiêu chí tăng điểm và tăng bậc là: Gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng và chính sách đào tạo lao động.

Tuy nhiên, còn có 04/10 tiêu chí vừa giảm điểm, giảm bậc, như: Tiếp cận đất đai; tính minh bạch; tính năng động của chính quyền tỉnh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, có 01 tiêu chí tăng điểm nhưng giảm bậc là thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (đứng thứ 63). Chỉ số PGI, Bình Thuận cũng đứng vị trí khá thấp (61/63 tỉnh, thành phố, đạt 12,75 điểm).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém từ nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc “tụt hạng” chỉ số PCI, từ đó tìm lời giải cho bài toán cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu cải thiện Chỉ số PCI và PGI của tỉnh Bình Thuận trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng cấp, các ngành đã thực hiện các nhiệm vụ để cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, trong đó có 05/10 tiêu chí vừa tăng điểm và tăng bậc so với năm 2021.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế đã tác động đến việc Chỉ số PCI Bình Thuận xuống hạng trong năm 2022. Trong đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt trong công tác cải cách hành chính; giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp còn để kéo dài. Sự chậm trễ, phiền hà trong thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai còn phổ biến; việc tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, cụ thể là việc xây dựng, điều chỉnh các loại quy hoạch còn kéo dài; mặt khác, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư…

Ngoài ra, tính thông tin minh bạch nhiều loại thông tin, tài liệu vẫn chưa đạt yêu cầu; việc đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa được giải quyết kịp thời…

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện các Chỉ số PCI, PGI năm 2023 của tỉnh, UBND Bình Thuận yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, thực hiện nhất quán chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, PGI. Trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần đang yếu. Các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy trình, quy định gây phiền hà, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng số lượng thủ tục hành chính giải quyết qua hình thức trực tuyến, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương của Bình Thuận được chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai. Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp với nhau trong giải quyết công việc, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ được giao. Trên nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không đẩy lên cấp trên, không đùn đẩy cho sở ngành khác…

Mặc dù các chỉ số trên bảng xếp hạng PCI, PGI của Bình Thuận tương đối kém khả quan, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 của địa phương này đang có mức tăng tốt, ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước, đứng vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển tăng 3,51%. 08/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2022. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Hoạt động du lịch sôi động trở lại; ước đón trên 4.460 ngàn lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 68,78% kế hoạch năm, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate