Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 21/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: đất đai phải theo cơ chế thị trường, tức là khi bán, mua, đấu thầu, đấu giá cần sát với cơ chế thị trường và phương pháp xác định thế nào để đưa ra được một giá chính xác. Do đó, luật được sửa đổi theo cách định nghĩa thế nào là giá thị trường, phương pháp nào xác định giá bình quân trong điều kiện ổn định.
ĐẤT ĐAI PHẢI THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
Phó Thủ tướng nhận định, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai. Giải quyết đúng chính sách pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định minh bạch, kiến tạo nên nguồn lực mà góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị an toàn xã hội, góp phần phát triển bền vững bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý, tập trung góp ý vào các vấn đề về công cụ quản lý để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, phân bổ, sử dụng đất đai; giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch quốc gia, liên ngành khác nhằm tạo ra những công cụ quản lý tốt hơn, không chồng chéo.
Cùng với đó là tính khả thi của các quy định về kinh tế đất đai, tài chính đất đai, định giá đất đai theo cơ chế thị trường. Thiết kế cơ chế thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư bảo đảm người dân có điều kiện sống, sinh kế tốt hơn sau tái định cư, được hưởng lợi từ các dự án trên cơ sở đánh giá toàn diện, đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội, chuyển dịch lao động, mối quan hệ giữa nhà nước và người dân. Các chính sách chuyển, nhượng quyền thuê đất nhằm bảo đảm sự ổn định về tài chính, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển, không tạo ra lợi ích nhóm, theo nhiệm kỳ…
Dự thảo luật lần này đã nêu rất rõ và cần giải quyết quy hoạch đất đai với quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác. Trên cơ sở đó xác định mối quan hệ này để đưa ra nguyên tắc kế thừa, đưa ra công cụ quản lý tốt hơn và không xung đột.
"Một quan điểm tiến bộ trong dự luật chính là quy định về việc sau quá trình thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển. Sau khi tái định cư, người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn, hưởng các quyền lợi", Phó Thủ tướng Hà lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật Đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.
Đây là yêu cầu quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai. Điều đó có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.
CHƯA GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ GIÁ ĐẤT, THỜI GIAN TÍNH TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Theo ông Lý, dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữ chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.
Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo kiểm tra giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân cũng phải được làm rõ.
Chuyên gia đề nghị ban soạn thảo cần xem xét tới một số nội dung còn chưa chặt chẽ. Về tài chính và giá đất, đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế quy định trong Dự thảo cần được gia cố thêm. Cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18.
Hiện nay, phần tài chính và giá đất đai chưa giải quyết được các vấn đề như giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng đất, từ đó dẫn đến việc không triển khai các thủ tục xây dựng, ách tắc việc giải ngân; xảy ra tranh chấp giữa cơ quan quản lý và người sử dụng đất.
Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không?
Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã nêu rõ: "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất," qua đó góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.
Thỏa thuận quyền sử dụng đất là một quyền dân sự, nhưng việc thỏa thuận gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các dự án đô thị, nhà ở thương mại là nội dung liên quan đến lợi ích chung, phải bảo đảm nguyên tắc và quản lý của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, công bằng, hài hòa lợi ích và mục đích phát huy hiệu quả sử dụng đất. Thực tế, các dự án đô thị, nhà ở thương mại, chỉ chủ đầu tư không thực hiện được nếu nhà nước không làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyên gia nói.
Theo các chuyên gia, hầu như các nhà đầu tư đều rất mong muốn được tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đại đa số ý kiến đã thống nhất nguyên tắc: Muốn tiếp cận được đất đai thương mại phải thông qua đấu giá, qua sàn giao dịch. Bên cạnh đó, luật đã bỏ khung giá đất, cơ chế bảng giá đất theo giá thị trường thì việc nhà nước hay doanh nghiệp thỏa thuận cũng phải sát giá trị của đất...