Sức mạnh ở những cổ phiếu riêng rẽ đang tạo sự phân hóa rõ ràng hơn và mặc dù các chỉ số quay đầu giảm nhưng vẫn nhiều mã tăng. Tuy nhiên không thể phủ nhận áp lực bán ngắn hạn đã mạnh lên và có thể tiếp tục tăng trong những phiên tới. Đây là lúc dòng tiền vào cần chứng minh sức mạnh, vì khi quan điểm chốt lời ngắn hạn đã mạnh lên thì vẫn sẽ tiếp tục mạnh, cần dòng tiền khỏe để hấp thụ.
Liên tục chuỗi phiên thanh khoản hai sàn niêm yết khá ấn tượng. Hẳn phải có dòng tiền mới nhập cuộc, nhưng đối ứng cũng là lượng cổ phiếu bán ra lớn. Thanh khoản hàng ngày chỉ là một yếu tố để xem xét, quan trọng hơn là lượng tiền lớn đó tạo hiệu ứng như thế nào lên giá.
Hướng giá tích cực phù hợp với thanh khoản lớn là giá phải tăng, đóng cửa ở mức càng cao càng tốt trong diễn biến intraday. Ngược lại, đà tăng hẹp với thanh khoản lớn thể hiện lượng bán đã kiềm chế được giá. Xấu hơn nữa là thanh khoản lớn mà giá lại tụt dần hoặc quay đầu giảm đỏ tức là bán chiếm ưu thế. Thông thường khi thị trường hưng phấn và có nhiều tiền mới, bên mua sẽ vào lệnh thẳng và đẩy giá dần lên. Bên bán sẽ nhìn thấy sức mạnh đó và treo giá thụ động. Chỉ khi nhìn thấy tín hiệu yếu thì bên bán mới di chuyển lệnh hạ giá dần.
Việc chốt lời không phải hôm nay mới xuất hiện mà ngay khi thanh khoản có dấu hiệu bùng nổ so với trung bình từ tuần trước. Chỉ là giai đoạn đầu, như nói ở trên, bên bán vẫn còn kỳ vọng và đặt lệnh rải theo chiều giá cao dần. Vì vậy thị trường chung hay cổ phiếu riêng lẻ vẫn tăng dần lên. Ở điểm bão hòa cung cầu, giá thường chậm lại và phân hóa. Chỉ những cổ phiếu còn lực cầu khỏe và bán ít mới tăng tiếp, phần còn lại dập dình dao động hẹp hoặc tăng giảm phập phù tạo thành một vùng đi ngang. Đó là lúc bên mua nỗ lực hấp thụ lượng hàng ngắn hạn, nếu thành công thì hàng bán sẽ cạn và giá vào nhịp tăng mới và vùng đi ngang đó được coi là vùng tích lũy. Ngược lại tiền mua bao nhiêu cũng có, hàng hấp thụ mãi không hết thì sẽ đến lúc tiền cạn và đó được xem là vùng phân phối.
Vì vậy hiện tại thị trường chưa rõ ràng, có khả năng là hấp thụ nhưng cũng có thể là phân phối ngắn hạn. Điều quan trọng là đánh giá trạng thái cụ thể của từng cổ phiếu cụ thể trong danh mục. Hành động lúc này là tùy vào cổ phiếu.
Vẫn giữ quan điểm là nên chốt lời tùy cảm nhận giao dịch ở các mã khác nhau. Việc nhìn vào tổng thể danh mục sẽ bị nhiễu vì các mã co kéo bù trừ lẫn nhau. Những mã không còn khả năng tăng mà đi ngang thì nên chốt lời, nếu giá tăng tiếp thì cũng coi như đã kết thúc một giao dịch với cổ phiếu đó. Thị trường lúc này vẫn chỉ là đầu cơ ngắn hạn, an toàn là trên hết. Các yếu tố hỗ trợ chưa hội tụ đủ để đẩy thị trường vào sóng tăng mới.
Thị trường phái sinh hôm nay có phản ứng khá tích cực về cuối phiên, basis F1 co lại dần khi VN30 phát tín hiệu giảm. Hiện tượng này khiến cơ hội Short bị hạn chế, nhịp giảm của VN30 khi thất bại ở 1087.xx thì F1 giảm rất ít dù biên độ 1087.xx tới 1082.xx là khá tốt. Ngay cả khi VN30 thủng 1082.xx lần đầu tiên cuối giờ sáng F1 cũng hầu như không giảm theo. Tuy nhiên nhịp hồi thất bại của VN30 ở 1082.xx buổi chiều F1 có biên độ tốt hơn. VN30 phản ứng ở 1076.xx và basis F1 cũng chiết khấu hơn 4 điểm.
Áp lực chốt lời dự kiến vẫn sẽ tiếp tục trên thị trường cơ sở. Chiến lược là canh chốt cổ phiếu, phái sinh Long trước Short sau.
VN30 dừng hôm nay tại 1077.41. Cản gần nhất ngày mai là 1082; 1087; 1090; 1096; 1101; 1109. Hỗ trợ 1076; 1069; 1064; 1057; 1053; 1047; 1040.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.