August 03, 2023 | 16:51 GMT+7

Blog chứng khoán: Cứ thong thả, thời gian còn nhiều

iTrader -

Sức nặng của lượng hàng cuốn chiếu tích lũy giá cao bắt đầu gây tác động xấu. Giao dịch tăng tốc trong buổi chiều khi cổ phiếu về tài khoản và tạo sức ép rõ rệt lên giá, đẩy giá lùi xuống sâu hơn với thanh khoản tăng cao. Tuy nhiên những phiên vừa rời đỉnh thường chưa bị cạn kiệt sức mua, giá có thể giằng co thêm cho tới lúc dòng tiền rút ra nghỉ ngơi nhiều hơn...

VN30-Index tạo đỉnh khá rõ.
VN30-Index tạo đỉnh khá rõ.

Sức nặng của lượng hàng cuốn chiếu tích lũy giá cao bắt đầu gây tác động xấu. Giao dịch tăng tốc trong buổi chiều khi cổ phiếu về tài khoản và tạo sức ép rõ rệt lên giá, đẩy giá lùi xuống sâu hơn với thanh khoản tăng cao. Tuy nhiên những phiên vừa rời đỉnh thường chưa bị cạn kiệt sức mua, giá có thể giằng co thêm cho tới lúc dòng tiền rút ra nghỉ ngơi nhiều hơn.

7 phiên tích lũy quanh đỉnh tính đến đầu tuần này có quy mô giao dịch trung bình ở HSX và HNX xấp xỉ 24k tỷ/ngày (cả thỏa thuận), riêng khớp lệnh là 22,3k tỷ/ngày. Sự chuyển hóa giữa cổ phiếu và tiền mặt ở mức rất cao như vậy thì hoặc là hấp thụ hết hàng lỏng lẻo để tăng tiếp, hoặc sẽ suy yếu sức mua để quay đầu điều chỉnh.

Gần như tất cả các vùng đỉnh của một sóng tăng đều có thanh khoản cao nhất, tức là tiền được hút vào với quy mô tối đa. Mua bao nhiêu cũng được đáp ứng thì sớm muộn tiền cũng sẽ suy giảm, trừ phi liên tục có dòng tiền mới bổ sung. Dù vậy chỉ riêng việc giảm sử dụng margin cũng đã là một điểm yếu. Thế nên bất kỳ lúc nào thanh khoản quá cao so với bình quân cũng đều cần thận trọng.

Không phải tất cả các cổ phiếu đều có một đỉnh giá tương ứng với đỉnh chỉ số. Nhịp tăng này nhiều mã đã tạo đỉnh trước rồi bước vào giai đoạn đi ngang hàng tuần lễ trước khi thị trường xuất hiện đột biến thanh khoản cao hôm 1/8. Điều này nghĩa là cổ phiếu đã có giai đoạn phân phối sớm hơn, nhiều mã còn giảm trước. Khi thị trường chung điều chỉnh cùng với tín hiệu ở chỉ số thì thua lỗ ở nhóm này càng lớn hơn. Điều này tạo sức ép khác nhau ở từng cổ phiếu, nhưng nhìn chung tâm lý yếu và muốn bảo toàn lợi nhuận cũng như giảm thiệt hại sẽ dễ gây ra sự hỗn loạn trong nhóm người cầm cổ.

Một thực tế thú vị là khi thua lỗ, sự đồng thuận dễ đạt được hơn là khi có lời. An ủi nhau lúc giảm dễ nghe hơn là cảnh báo ở chiều tăng. Việc tìm lý do để xoa dịu nỗi lo lắng cũng dễ hơn. Tuy nhiên đó chỉ là sự lảng tránh nỗi đau bằng hi vọng. Đó không phải là điều có lợi trong việc quản trị danh mục. Trong đầu cơ thắng thua nhiều khi do may mắn, nhưng trong đầu tư, quản trị danh mục hợp lý mới đem lại sự ổn định về lợi nhuận, dù không cao như các phi vụ lướt sóng.

Thị trường lúc này có thể đi cao hơn hay không thì không thể chắc được, vì tiền là một ẩn số lớn, không ai dò được sự điên rồ của tiền cả. Lãi suất đang được ép hạ xuống thấp hơn và tiền sẽ tiếp tục chảy vào chứng khoán, đó là logic rất dễ đoán và cũng xảy ra vài lần rồi. Tuy nhiên trong ngắn hạn tiền lại co giãn và người cũng cần nghỉ ngơi, không thể nào tăng một mạch được. Sóng tăng vừa rồi nhiều cổ phiếu ăn gấp thếp, tăng 30-40% rất phổ biến thì ít nhất thị trường cũng phải chậm lại để xác định xem mặt bằng giá nào là cân bằng và hợp lý. Nếu nhìn từ góc độ đó thì việc thị trường điều chỉnh hay cần thời gian để cân bằng là bình thường. Đó là lúc tranh thủ mà nghỉ ngơi sau một mùa vụ kiếm ăn vất vả nhưng hầu hết là thành công. Nếu tiền tiếp tục dồi dào, mức điều chỉnh sẽ nhẹ và rồi thị trường sẽ khởi động sóng tăng mới.

Việc chốt lời trong giao dịch ngắn hạn không nhất thiết là để cầu mong giá giảm. Chốt lời là để kết thúc một phi vụ đầu cơ, chờ đợi một phi vụ mới. Khi vị thế đã được giải phóng thì nên cắt đứt, không cần quan tâm giá sau đó như thế nào cho tới khi quyết định vào một vòng mới. Đó là cách để tránh sự tiếc nuối thường thấy, điều luôn dẫn đến những quyết định sai lầm kế tiếp, thậm chí là “chết chìm” cả vốn lẫn lãi đã đang có trong một giao dịch khổng lồ ngay đúng đỉnh.

Thị trường phái sinh hôm nay tiếp tục có basis chặt chẽ ở F1, điều rất kỳ lạ, khi ở chiều tăng thì lúc nào cũng dập dòm sợ hãi chấp nhận chiết khấu rộng. Trong khi lúc này nguy cơ tạo đỉnh đang rõ dần thì phái sinh lại hưng phấn. Tuy nhiên trong giao dịch việc tỏ thái độ về thực tế bất thường không quan trọng bằng việc làm thế nào để kiếm lời từ sự bất thường đó.

Chiều Long ngắn ở F1 mỗi khi VN30 vượt 1222.xx trong phiên sáng không hiệu quả dù basis có lợi chút ít. Nguyên nhân là VN30 thiếu lực ở trụ dẫn dắt. Tuy nhiên chiều Short dài thì tốt. Khoảng biên độ rộng nhất dự kiến là từ 1222.xx xuống 1214.xx là nhịp ngon nhất.

Cuối phiên hôm nay F1 đã quay sang chiết khấu và có khả năng mở rộng chiết khấu hơn trong phiên cuối tuần. Khả năng cao áp lực bán sẽ vẫn tiếp tục ngày mai, chiến lược là Short trước Long sau khi có điểm bù basis.

F1 bám chặt VN30, càng tiện cho Short.
F1 bám chặt VN30, càng tiện cho Short.

VN30 đóng cửa hôm nay tại 1210.8, ngay tại một mốc. Cản kế tiếp ngày mai là 1214; 1222; 1225; 1235; 1244. Hỗ trợ 1203; 1197; 1190; 1183; 1176.

“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate