Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2030.
TỔNG NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT KHOẢNG 200 HA
Quyết định do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký nêu rõ đối với quy hoạch các công trình quản lý, điều hành bay, tiến hành trang bị hệ thống đèn cho hướng tiếp cận đầu 35 của đường cất hạ cánh theo cấu hình CAT I (tiếp cận và hạ cánh bằng thiết bị chính xác với chiều cao quyết định không thấp hơn 60 m (200 ft) và với tầm nhìn không nhỏ hơn 800m hay tầm nhìn đường cất hạ cánh không nhỏ hơn 550 m), bố trí phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, điều chỉnh ranh giới phía đầu 35 của đường cất hạ cánh để bảo đảm hệ thống đèn tiếp cận nằm trong phạm vi ranh giới của cảng.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh giảm phạm vi tuyến đường công vụ phía Nam khu quân sự; bổ sung tuyến đường công vụ khu vực phía Nam cảng chạy dọc theo đường cất hạ cánh kết nối tới phạm vi đài kiểm soát không lưu hiện hữu.
Bên cạnh đó, hệ thống tường rào bảo vệ xung quanh cảng hàng không sẽ được xây dựng phía ngoài đường công vụ của cảng.
Quyết định cũng điều chỉnh cục bộ về quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Điện Biên đến năm 2030 khoảng 200,27 ha.
Trong đó, diện tích đất hàng không dân dụng quản lý là 26,82 ha, diện tích đất dùng chung là 145,68 ha và diện tích đất do quân sự quản lý là 27,77 ha.
Diện tích đất bổ sung khoảng 0,04 ha và diện tích đất hoàn trả địa phương là 1,16 ha.
Đáng chú ý, phần diện tích đất hoàn trả địa phương sẽ được bàn giao vào thời điểm phù hợp, sau khi xây dựng đường cất hạ cánh mới và không còn nhu cầu sử dụng đường cất hạ cánh hiện hữu.
Điều chỉnh phương thức tiếp cận hạ cánh từ "tiêu chuẩn CAT I” thành "PBN hoặc DVOR/DME, NDB”.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ quy hoạch bảo đảm phù hợp với nội dung quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, cơ quan này sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý và thực hiện quy hoạch phù hợp quy định hiện hành.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch các công trình để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu khai thác và đầu tư phát triển.
Cùng đó, tiếp tục rà soát, tính toán xác định các yếu tố kỹ thuật để bảo đảm tính hợp lý, thực hiện điều chỉnh và xử lý các nội dung theo thẩm quyền, báo cáo Bộ Giao thông vận tải đối với những nội dung trong trường hợp vượt thẩm quyền (nếu có).
UBND tỉnh Điện Biên được giao tổ chức cắm mốc giới theo nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch và bàn giao mốc giới cho cảng vụ hàng không để phối hợp quản lý theo quy định, cũng như chịu trách nhiệm cập nhật các nội dung điều chỉnh vào quy hoạch của địa phương, bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp nhu cầu phát triển của cảng hàng không theo quy hoạch được duyệt.
TẠO SỨC BẬT ĐƯA ĐIỆN BIÊN THÀNH TRUNG TÂM VÙNG TÂY BẮC
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 với nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.
Cảng hàng không Điện Biên được chấp thuận cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có tổng vốn đầu tư 1.467,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Hiện Cảng hàng không Điện Biên có nhà ga hành khách quy mô nhỏ, đặc biệt là chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu ngắn (1.830 m), chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu bay cỡ nhỏ như ATR-72 và tương đương.
Cũng theo thống kê năm 2019, Điện Biên đón khoảng 845.000 lượt du khách, thời gian lưu trú khoảng 2,4 ngày, trong đó có khoảng 25.300 lượt hành khách đi bằng đường hàng không, chiếm 3%, còn chủ yếu đi bằng đường bộ (97%).
Do đó, phần lớn khách du lịch có quỹ thời gian hạn chế (2-3 ngày) đều không lựa chọn Điện Biên làm điểm đến bởi thời gian di chuyển đường bộ tương đối dài khi chặng Hà Nội - Điện Biên đi ô tô cần khoảng 10-12 giờ.
Đáng lưu ý, Điện Biên cũng được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị... Tuy nhiên, việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.
Vì vậy, việc mở rộng nâng cấp sân bay Điện Biên tạo sức bật cho vùng kinh tế Tây Bắc. Khi sân bay Điện Biên hoàn thành sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với cố đô Luang Prabang (Lào), Côn Minh (Trung Quốc), Chiang Mai (Thái Lan) phát triển thương mại và dịch vụ du lịch.
Từ đó, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Trong chương trình công tác tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Điện Biên hoàn thành sân bay Điện Biên Phủ trong tháng 11/2023 và xây dựng tuyến đường kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của sân bay với sự phát triển của tỉnh, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường, làm tốt công tác đền bù, tái định cư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không đội vốn phi lý. Nhà thầu thi công 3 ca 4 kíp, tranh thủ thời tiết thuận lợi, phấn đấu hoàn thành vào 19/11/2023, trước thời hạn 1 tháng, giải phóng nguồn lực, nâng cấp hạ tầng, tạo động lực phát triển mới, thu hút nhà đầu tư tới Điện Biên.