September 27, 2022 | 10:54 GMT+7

Đòn bẩy nào cho thương mại miền núi phát triển?

Song Hà -

Nhiều đặc sản, sản phẩm miền núi rất có tiềm năng phát triển. Nông sản Việt Nam được ví như “của chìm” nhưng ít người biết tới do công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng...

Xoài tròn Yên Châu đã được chú trọng phát triển thương hiệu
Xoài tròn Yên Châu đã được chú trọng phát triển thương hiệu

Tại hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022” mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng tiềm năng sản xuất hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo rất lớn bởi diện tích, vị trí địa lý trải dài từ Bắc tới Nam, từ miền núi đến hải đảo với nhiều sản vật được thiên nhiên ban tặng.

CHƯA QUAN TÂM QUẢNG BÁ SẢN PHẨM

Trong những năm gần đây, nhờ triển khai chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, hoạt động kinh tế thương mại, sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể góp phần giảm nghèo, tạo cơ hội việc làm cho người dân. Đồng thời đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.

Dẫn chứng số liệu thống kê năm 2019, ông Mai Thanh Thảo, Phó trưởng phòng Ngành nghề nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đồng bào dân tộc thiểu số cả nước là hơn 14 triệu người, quy mô 3,35 triệu hộ. Thu nhập bình quân người lao động ở khu vực này chủ yếu từ nông nghiệp nên rất thấp, chỉ đạt 1,1 triệu đồng /người/tháng. Dù có nhiều sản phẩm tiềm năng thương mại lớn nhưng khó khăn, bất cập trong phát triển thương mại miền núi hiện nay là sự khan hiếm vật liệu phục vụ sản xuất. Ví dụ như diện tích trồng cây lanh phục vụ thêu dệt thổ cẩm ngày càng thu hẹp để phục vụ những cây trồng khác.

Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ sản xuất (cụm, khu công nghiệp) và hạ tầng kết nối (đường sá, hạ tầng công nghệ internet, tivi…) còn hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu sự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tất cả các làng nghề đều sản xuất tại hộ gia đình nên mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, rất khó để phát triển thành vùng hàng hóa lớn. Các làng nghề vẫn sử dụng phương pháp thủ công nên số lượng sản phẩm đạt được còn hạn chế. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề, vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo còn yếu.

Trong khi đó, sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng còn lạc hậu, đa số theo ông cha truyền lại mà chưa có những sản phẩm thiết kế mới, hiện đại, phù hợp với thị trường hiện nay. Mặt khác, việc đa dạng hóa, mẫu mã sản phẩm là công tác cực kỳ quan trọng nhằm giúp sản phẩm không những thu hút được người tiêu dùng trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Đặc biệt, trong xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm, ông Thảo cho rằng vẫn còn nhiều bất cập ngay ở các làng nghề. Sản phẩm chưa đến được tay người tiêu dùng, hoặc người thu mua sản phẩm do công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng.

Ông Đinh Trung Kiên, Phó trưởng ban tuyên giáo TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Ngọc Thanh là xã miền núi duy nhất của Phúc Yên. Một số sản phẩm của người Sán Dìu, Phúc Yên vẫn được duy trì như: xôi trứng kiến, bánh chưng gù, thịt lợn muối, thịt ướp chua… Song, những sản phẩm này vẫn sản xuất mang tính manh mún mặc dù đã có tiếng và lưu truyền dân gian nhưng chưa mang định hướng phát triển theo thương hiệu, chưa tập trung chuyên sâu, bài bản.

Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng còn nhiều hạn chế. Những đặc sản chưa có thương hiệu riêng, chất lượng an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh việc sản xuất còn nhỏ lẻ, khó khăn về vận chuyển tiêu thụ do chưa có cơ chế phối hợp phân phối.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/TTg về việc phê duyệtChương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Để triển khai có hiệu quả chương trình, ông Đông cho rằng việc đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm của khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố góp phần kết nối, đưa sản phẩm gần hơn đến người tiêu dùng.

Muốn đạt mục đích này, bà Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng Phòng tiểu thủ công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh cần phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng. Khi đã có nguồn hàng, dồi dào, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng thì cần đẩy mạnh phát triển thương mại.

“Giai đoạn tới cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối cung cầu hàng hóa dịch vụ nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản miền núi. Các hoạt động kết nối cần được triển khai từ Trung ương tới địa phương, từ Sở Công Thương đến các hiệp hội, ngành hàng. Đồng thời cần xây dựng thêm cơ sở dữ liệu thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên, liên tục có tính điều phối vùng miền”, bà Phương đề xuất.

Bên cạnh việc kết nối doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất - người tiêu dùng, cần tập trung là kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa, nông sản có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Bước đầu hình thành chuỗi cung ứng tiêu thụ đặc sản vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Để giải bài toán trên, ông Thảo cho rằng cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chiều ngang và dọc. Liên kết theo chiều ngang là liên kết giữa các hộ nông dân lại với nhau để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo vùng sản xuất, cùng định hướng sản xuất, định hướng thị trường. Liên kết dọc là từ người sản xuất đến hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm để có thể tiếp cận được cả những thị trường khó tính.

Hiện nay, do việc sản xuất được thực hiện tại các buôn, bản làng, vùng sâu vùng xa nên việc kết nối tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, đặc biệt kết nối quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử cũng không dễ dàng.

Vì vậy, cần có sự tập huấn từ các bộ, sở ngành địa phương để nâng cao năng lực xúc tiến cho các hộ nông dân, hợp tác xã. Mặt khác, cần tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề, bởi đây là hồn cốt của làng nghề truyền thống, nhất là những làng nghề đang dần bị mai một, thất truyền.

Số lượng người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết còn khiêm tốn, lao động qua đào tạo chỉ 10% vì vậy chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực này cần được đầu tư, nâng cao. Cần tập trung đào tạo nâng cao tay nghề lao động để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm.

Điều quan trọng hơn hết, theo đại diện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cần quan tâm nhiều hơn tới công tác xúc tiến thương mại. “Trước khi sản xuất cần biết bán sản phẩm đó ở đâu, bán thế nào? Sản phẩm làm ra đẹp, chất lượng tốt nhưng không biết giới thiệu sản phẩm, làm cách nào để bán được hàng thì sản phẩm đó không mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất”, ông Thảo lưu ý.

Đồng thời ông cho biết Chính phủ vừa ban hành Quyết định 801/TTg ngày 7/7/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó có các giải pháp nâng cao giá trị đối với hàng hóa, sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây sẽ là đòn bẩy cho thương mại miền núi phát triển trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate