Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về công tác triển khai xây dựng quy chuẩn đường cao tốc.
Công văn nêu rõ, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý 1/2024 như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xây dựng, các căn cứ xây dựng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất dự thảo khung quy chuẩn, báo cáo trước ngày 30/11/2023.
Trước đó, ngày 12/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 79 yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối.
Lấy đây làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thủ tướng yêu cầu quá trình xây dựng quy chuẩn cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.
"Nội dung quy chuẩn cần lưu ý quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế, trạm dừng nghỉ…; nguyên tắc bố trí, tổ chức các nút giao khoa học, hiệu quả, chiều rộng và tốc độ thiết kế của nút giao phù hợp với tốc độ của đường cao tốc", Thủ tướng yêu cầu.
Việc ban hành quy chuẩn sẽ đảm bảo khai thác, vận hành thuận lợi, an toàn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc. Từ đó, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.
Theo đánh giá, việc triển khai xây dựng các tuyến cao tốc đã đạt một số kết quả tích cực. Đến nay, cả nước hiện đưa vào sử dụng thêm 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822 km.
Bên cạnh đó, thời gian qua đã khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội...
Tuy nhiên, vẫn một số tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế, một số tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe.
Cùng với đó, việc bố trí, đầu tư xây dựng các nút giao thông, nhất là chiều rộng và kết nối đường cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương để vào các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ còn chưa hợp lý.
Ngoài ra, giải pháp xử lý nền đất yếu, việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng còn chưa đáp ứng tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm...
Liên quan đến những bất cập nảy sinh khi khai thác đường cao tốc, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh rằng nhiều tuyến đường giao thông mới đầu tư không có làn xe dừng khẩn cấp gây nguy cơ mất an toàn giao thông, việc thiếu trạm dừng nghỉ cũng gây nhiều bức xúc.
Để sớm giải quyết các tồn tại này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc, làm cơ sở để đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối.