November 20, 2023 | 14:01 GMT+7

Chủ đầu tư đề xuất chuyển hơn 200 tỷ đồng vốn từ dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau sang dự án cầu Rạch Miễu 2

Xuân Nghi -

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị điều chuyển số vốn 225 tỷ đồng từ dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau của cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sang dự án cầu Rạch Miễu 2...

Dự án cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành sẽ bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi và giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải, thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Ban Mỹ Thuận.
Dự án cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành sẽ bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi và giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải, thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Ban Mỹ Thuận.

Ban Mỹ Thuận mới đây đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xem xét điều chuyển vốn từ dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, một trong những dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025, sang dự án cầu Rạch Miễu 2.

Ban Mỹ Thuận cho biết, theo kế hoạch vốn năm 2023, dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang - Bến Tre được phân bổ 2.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 06/11, chủ đầu tư đã giải ngân được hơn 67%, còn lại khoảng 810 tỷ đồng. Số tiền này đủ giải ngân khối lượng thi công cho các gói thầu xây lắp, tư vấn và giải phóng mặt bằng phía Bến Tre từ đây đến cuối năm. Hiện tại, mặt bằng phía Bến Tre đã giải phóng gần 97%.

Trong khi đó, phía bên Tiền Giang đến nay chỉ mới giao 49% mặt bằng cho chủ đầu tư và nguồn vốn hiện chỉ còn 660 tỷ đồng, không đủ để chi trả khi giải tỏa. Cuối tháng 10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang đã đề nghị Ban Mỹ Thuận bổ sung khoảng 488 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở dự án cầu Rạch Miễu 2. Nếu tính cả kinh phí thi công xây lắp, tư vấn thì số tiền phía Tiền Gang cần thêm để chi trả là 525 tỷ đồng (bao gồm 488 tỷ đồng nói trên).

Về lý đo điều chuyển vốn từ dư án thành phần Hậu Giang – Cà Mau sang dự án cầu Rạch Miễu 2, Ban Mỹ Thuận giải thích rằng do dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau đến nay đã giải ngân đạt trên 80%. Cụ thể, đến cuối tháng 10/2023, dự án đã giải ngân được 3.152 tỷ đồng trong tổng số 4.157 tỷ đồng, còn lại hơn 1.000 tỷ đồng. Công trình đang khan hiếm nguồn cát, dẫn tới thi công chậm so với kế hoạch, nhu cầu giải ngân thấp.

Việc điều chuyển vốn từ cao tốc sang dự án cầu Rạch Miễu 2 là cần thiết nhằm bảo đảm tiến độ, khi được chấp thuận sẽ giải ngân được ngay. Phần còn thiếu khoảng 300 tỷ đồng, chủ đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung từ các dự án khác không có nhu cầu của Bộ Giao thông vận tải. 

Ngày 18/9/2023, Phó thủ tướng Trầ Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, trong đó vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 gần 5.600 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 1.200 tỷ đồng. Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 được điều chỉnh tăng 1.600 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2020 đồng thời lùi thời gian hoàn thành đến năm 2026.

Lý do tổng mức đầu tư tăng lên theo giải thích của chủ đầu tư là do diện tích giải phóng mặt bằng dự án tăng thêm 3 ha, số hộ tái định cư phát sinh thêm gần 40 hộ. Ngoài ra, giá đất bồi thường tỉnh Tiền Giang tăng từ 8 triệu đồng lên hơn 26 triệu đồng một m2; giá đất tỉnh Bến Tre có đơn giá và hệ số tăng gấp 6 - 20 lần.

Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng tại vị trí cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6 km; bao gồm chiều dài các cầu dẫn khoảng 2 km, rộng 20,5 m; cầu vượt luồng chính sông Tiền được thiết kế cầu dây văng nhịp chính dài 270 m, mặt cầu rộng 17,5 m. Quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ); vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án được khởi công vào tháng 3/2022 và dự kiến hoàn thành năm 2026 (đã điều chỉnh lùi thời gian), được tăng vốn đầu tư từ 5.200 tỷ đồng lên 6.810 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, công trình cầu Rạch Miễu 2 sẽ bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi và giảm tải cho cây cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải, thường xuyên gây ùn tắc giao thông.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate