March 24, 2022 | 10:24 GMT+7

Bộ Giao thông Vận tải nói gì về bãi công trình cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống bị bỏ hoang, lấn chiếm?

Anh Tú -

Trước tình trạng bãi công trình cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống bị bỏ hoang gây lãng phí, có nơi bị lấn chiếm, cử tri tỉnh Đồng Tháp vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bàn giao phần đất này cho địa phương quản lý...

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm bàn giao 7,88ha đất thuộc bãi công trình cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống cho địa phương quản lý, sử dụng. 
Bộ Giao thông vận tải đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm bàn giao 7,88ha đất thuộc bãi công trình cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống cho địa phương quản lý, sử dụng. 

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 2691 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp gửi tới sau Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, bàn giao phần đất làm các bãi công trình cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống cho địa phương quản lý, sử dụng. Bởi vì, hiện nay các phần đất này bị bỏ hoang gây lãng phí, có nơi bị lấn chiếm.

Hồi đáp kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho hay, các bãi công trình cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông nhằm để tập kết vật liệu, thiết bị, lắp đặt trạm trộn bê tông xi măng, bê tông nhưa, lán trại, nhà điều hành trong quá trình thi công và xây dựng nhà bảo dưỡng và quản lý hệ thống quan trắc các cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống trong giai đoạn khai thác.

Theo đó, các khu đất phục vụ xây dựng công trình được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn kinh phí của dự án gồm diện tích và tài sản trên đất.

Cụ thể, thứ nhất, bãi công trình bờ Bắc cầu Cao Lãnh thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích 4,9ha nằm hoàn toàn trong phạm vi kết cấu hạ tầng đường bộ.

 

Theo dự kiến, Bộ Giao thông vận tải sẽ bàn giao cho địa phương phần diện tích đất khoảng 7,88ha, nằm ngoài phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và không được sử dụng cho công tác quản lý, khai thác, bảo trì cho các công trình giao thông nêu trên theo quy định. 

Tài sản trên đất gồm nhà bảo dưỡng và quản lý hệ thống quan trắc cầu Cao Lãnh phục vụ quản lý bảo trì dự án và dãy nhà điều hành của các chuyên gia tư vấn, nhà thầu. 

Bãi công trình bờ Nam cầu Cao Lãnh thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích 3,7ha nằm hoàn toàn trong phạm vi kết cấu hạ tầng đường bộ. Tài sản trên đất gồm dãy nhà điều hành của các chuyên gia tư vấn, nhà thầu. 

Thứ hai, bãi công trình bờ Bắc cầu Vàm Cống thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích 14,5ha, trong đó 6,62ha nằm trong phạm vi kết cấu hạ tầng đường bộ, 7,88ha nằm ngoài phạm vi kết cấu hạ tầng đường bộ. Trên bãi công trình không có tài sản. 

Sau khi các công trình cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống hoàn thành, đưa vào khai thác, toàn bộ phần đất và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên đất nêu trên được Bộ Giao thông vận tải giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, khai thác.

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, ngày 25/01 vừa qua, đại diện cơ quan quản lý tài sản, đơn vị quản lý dự án và đại diện của địa phương là Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND thành phố Cao Lãnh, UBND huyện Lấp Vò kiểm tra hiện trạng và ký biên bản làm việc xác định diện tích đất bãi công trường.

Theo đó, thống nhất UBND thành phố Cao Lãnh cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quy hoạch chung thành phố Cao Lãnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp báo cáo UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất cho chủ trương thực hiện.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo UBND thành phố Cao Lãnh và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định để Bộ Giao thông vận tải sớm bàn giao phần đất nêu trên cho địa phương quản lý, sử dụng. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate