Theo văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhận được liên tiếp 2 văn bản kiến nghị của liên danh nhà thầu Hoa Lư kiến nghị về gói thầu số 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại công văn số 5996 ngày 5/8 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến: “Việc giải quyết kiến nghị và quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu được quy định tại điều 91, khoản 1, điều 92 Luật Đấu thầu và thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư theo quy định khoản 2, điều 73, khoản 5, điều 74 Luật Đấu thầu”.
Và căn cứ theo quy định của Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ACV xem xét các nội dung kiến nghị của liên danh nhà thầu Hoa Lư để giải quyết đúng theo quy định, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói thầu, dự án.
Khiếu nại xung quanh gói thầu 35.000 tỷ xây dựng nhà ga hành khách "siêu" sân bay Long Thành
Liên danh Hoa Lư bất ngờ khiếu nại Vietur lọt vòng kỹ thuật gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành
Theo Điều 91 Luật Đấu thầu, nhà thầu gửi đơn kiến nghị trước khi có kết quả chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết đến nhà thầu trong 7 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị, họ có quyền gửi đơn kiến nghị tới cấp có thẩm quyền cao hơn, ở đây là Bộ Giao thông Vận tải, và sẽ được nhận văn bản trả lời trong 5 ngày làm việc.
Sau khi chủ đầu tư công bố kết quả chấm thầu, nhà thầu cũng có quyền tiếp tục kiến nghị nếu không đồng ý với kết quả này. Chủ đầu tư, người có thẩm quyền có thời hạn lần lượt là 7 ngày và 5 ngày để trả lời kiến nghị của nhà thầu.
Cũng theo Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị, họ có quyền khởi kiện ra toà để bảo vệ quyền lợi.
Liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu, gồm 8 nhà thầu: Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An và Power Line Engineering (PLE - Thái Lan).
Theo dữ liệu, PLE là doanh nghiệp đến từ Thái Lan, là “ngoại binh” duy nhất trong liên danh. PLE được thành lập năm 1988, hiện sở hữu 5 công ty con. Ở lĩnh vực sân bay, năm 2020, PLE đã hoàn thành sân bay vệ tinh tại Bangkok. Trong ba năm qua, công ty cũng đã nhận được một số dự án từ Chính phủ Thái Lan với vai trò là nhà thầu phụ.
Xây dựng sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia gồm nhiều dự án thành phần, trong đó có gói thầu 5.10 xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là hạng mục lớn nhất. Thủ tướng yêu cầu ACV bằng mọi cách phải khởi công gói thầu này trong tháng 8 này.