November 26, 2024 | 14:34 GMT+7

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm trừ gia cảnh khi thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân

Ánh Tuyết -

Bộ Tài chính cho rằng cần rà soát, đánh giá lại mức giảm trừ gia cảnh đã áp dụng từ năm 2020, đảm bảo phù hợp biến động của giá cả và gia tăng mức sống dân cư. Chính sách này giao Chính phủ quy định thay vì phải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...

Cần lưu ý rằng mức giảm trừ “quá cao” vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân thành chính sách thuế với người có thu nhập cao.
Cần lưu ý rằng mức giảm trừ “quá cao” vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân thành chính sách thuế với người có thu nhập cao.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) và lấy ý kiến công khai.

LƯƠNG 22 TRIỆU/THÁNG CHƯA PHẢI ĐÓNG THUẾ

Một trong những nội dung sửa đổi trong dự án Luật thuế thu nhập cá nhân lần này là nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… Số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Nhìn lại những thay đổi về mức giảm trừ gia cảnh thời gian qua, từ 01/01/2009 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Đồng thời bổ sung quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Ngày 02/6/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020).

Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.

"Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân", Bộ Tài chính nêu rõ.

GIẢM TRỪ QUÁ CAO GÂY MỜ NHẠT VAI TRÒ CHÍNH SÁCH

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng), gấp hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất. Đồng thời, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng như: Malaysia là 0,16 lần, Indonesia là 0,68 lần, Trung Quốc là 0,67 lần năm 2023.

Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội. Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, có nhiều luồng ý kiến trái chiều về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh vẫn còn thấp; cũng có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không thấp khi so sánh với mặt bằng chung về mức sống, thu nhập của người dân hiện nay, có nhiều người lao động hiện đang có thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế.

Cũng có ý kiến đề nghị cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, hay mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn...

 

"Mức giảm trừ quá cao sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây".

Báo cáo của Bộ Tài chính

Về vấn đề này, trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

"Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau", Bộ Tài chính nêu rõ.

Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật Thuế thu nhập cá nhân đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính cho rằng đối với nước ta, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.

Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế.

"Có thể cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ", Bộ Tài chính kiến nghị.

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN CHIẾM 9% THU NGÂN SÁCH

Đối chiếu phần đóng góp của thuế thu nhập cá nhân trong ngân sách nhà nước thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết thuế thu nhập cá nhân trở thành sắc thuế tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước đứng thứ ba trong hệ thống thuế, sau thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tính riêng năm 2023, số thu thuế thu nhập cá nhân đạt 147.113 tỷ đồng, chiếm 9,08 tổng thu ngân sách nhà nước và sụt giảm 10% so với năm 2022, đây là năm ghi nhận số thu thuế thu nhập cá nhân đạt kỷ lục (162.944 tỷ đồng).

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho rằng một số quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành qua một thời gian thực hiện bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay như: các vấn đề liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp; biểu thuế lũy tiến.

Cùng đó, mức điều tiết thu nhập của một số loại thu nhập cũng cần phải có những sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế hiện nay và trong mối tương quan với các nguồn thu nhập khác nhau của cá nhân.

Ngoài ra, một số nội dung về phạm vi, đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa bao quát được đầy đủ các khoản thu nhập chịu thuế và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và từ thực tiễn công tác tổ chức thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành trong những giai đoạn sau đó, Bộ Tài chính tiến hành rà soát toàn bộ các điều, khoản của Luật (gồm 35 điều).

 

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn vừa qua, tỷ trọng số thu từ thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước của nước ta tăng từ mức 5,33% năm 2011 lên hơn 9% năm 2023, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc củng cố quy mô thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate