Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành một loạt vấn đề gỡ khó cho ngành dệt may; trong đó, có việc xem xét bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu, thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như quy định.
Phản hồi về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Trong đó, mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.
Theo quy định hiện hành, thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế giá trị gia tăng 10% khi mua vải trong nước. Khi xuất khẩu sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% và được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Theo Bộ Tài chính, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu theo hàng hóa, dịch vụ và không có quy định ưu đãi riêng theo đối tượng doanh nghiệp. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo Bộ Tài chính, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu theo hàng hóa, dịch vụ và không có quy định ưu đãi riêng theo đối tượng doanh nghiệp. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Do vậy, việc bỏ quy định nộp thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu hoặc quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng vải mua trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ làm giảm tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng.
“Do doanh nghiệp bán vải trong nước sẽ không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và có thể làm tăng giá bán của mặt hàng vải; đồng thời, chưa phù hợp với quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng”, Bộ Tài chính lý giải.
Theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng đến hết năm 2021, thậm chí đủ đơn hàng cho cả quý 1, 2/2022.
Tuy nhiên, giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may. Cụ thể, hiện có khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam, trong khi, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ", khiến các nhà máy rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Đây là thách thức lớn cho ngành trong quý 3/2021 và vì vậy, mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021 rất khó thành hiện thực.
Từ lý do này, ngoài kiến nghị bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu, Hiệp hội cũng đề xuất hàng loạt chính sách khác hỗ trợ như sửa Luật Công đoàn theo hướng doanh nghiệp nộp tối đa 1% kinh phí thay vì 2% như hiện nay.
Cùng đó, hiệp hội này cũng đề nghị giảm phí đường bộ, phí BOT, dừng thu phí cảng biển tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh; không thu phí cảng biển từ 01/10/2021 như dự kiến. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng không hạ hạn mức tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất xuống 0,5 – 1%/năm, giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.