Theo tài liệu họp thẩm định về đề nghị xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Bộ Tư pháp công bố, game online vẫn nằm trong danh mục các mặt hàng bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, trong dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính, cơ quan này đưa hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào nhóm đối tượng bổ sung trong danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong báo cáo tiếp thu giải trình về các ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân về lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính cho biết, có 90 ý kiến nhất trí và có 10 ý kiến khác (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Công ty VNG; Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam; Thanh tra Chính Phủ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao…) đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thêm, bổ sung tính thuyết phục hơn hoặc không đưa game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bốn lý do được các đơn vị này đưa ra lý giải việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online.
Thứ nhất, game online là dịch vụ được khuyến khích phát triển tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP; Quyết định 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai, ngành game có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp không khói của Việt Nam. Có 5/10 top 10 doanh nghiệp phát hành game lớn nhất trong khu vực là doanh nghiệp Việt Nam. Doanh thu năm 2022 của khu vực Đông Nam Á là 4,5 tỷ USD, trong đó doanh thu tại Việt Nam là 507 triệu USD.
Thứ ba, sẽ có sự dịch chuyển hành vi tiêu dùng khi người chơi sẽ chọn những trò chơi được cung cấp bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ bốn, việc áp thuế sẽ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam di chuyển trụ sở chính ra nước ngoài.
Tuy nhiên, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ Tài chính cho rằng ngành game online đã có sự tăng trưởng qua các năm năm 2019 đạt gần 7.581 tỷ đồng, năm 2021 đạt 11.486 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng
Bên cạnh những tác động tích cực, theo báo nghiên cứu của Bộ Y tế và Viện Sức khỏe tâm thần- Bệnh viện Bạch Mai, trò chơi điện tử trên mạng có nhiều tác động tiêu cực đến người chơi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Cụ thể tác động đến sức khỏe thể chất (thừa cân, béo phì, thị lực, cơ xương khớp) và sức khỏe tâm thần (tác động đến sự phát triển tư duy, rối loạn tâm thần, trầm cảm, gây nghiện...).
Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết đưa “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng" vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng nhất là đối với thanh thiếu niên cũng như mở rộng nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước.
Một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung vào đối tượng chịu thuế sẽ có sự dịch chuyển hành vi tiêu dùng khi người chơi sẽ chọn những game được cung cấp bởi các doanh nghiệp nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam di chuyển trụ sở chính ra nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam di chuyển trụ sở chính ra nước ngoài.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, game online cung cấp tại Việt Nam phải do doanh nghiệp trong nước phát hành. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp muốn kinh doanh game online phải đáp ứng các điều kiện: doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam và được cấp ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp game online tại Việt Nam bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp cung cấp game online không được cấp phép (game lậu), Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường quản lý và có biện pháp phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, gỡ bỏ các game lậu.
Còn theo quan điểm của Bộ Tài chính, hiện nay dù chưa có chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh game online nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lựa chọn đóng trụ sở chính ở nước ngoài để sản xuất game. Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn đầu tư ở nước ngoài của doanh nghiệp như danh tiếng, vị thế công ty ở nước ngoài sẽ tốt hơn, thủ tục hành chính... Vì vậy, ý kiến cho rằng áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp.
Với quan điểm này, Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất bổ sung “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện từ trên mạng được cấp phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật" vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đối với việc quản lý các game bất hợp pháp cần thiết phải có sự tăng cường quản lý của các bộ chuyên ngành. Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung triển khai cải cách thủ tục cấp phép để thu hút.
Trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online, Bộ Thông tin và Truyền thông; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị đưa game online ra khỏi danh sách chịu thuế.
Tại các hội thảo bàn về vấn đề này thời gian qua, nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực game cũng có chung quan điểm không đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì những hệ lụy, tác động ảnh hưởng có thể xảy ra đối với sự phát triển của thị trường và các doanh nghiệp trong ngành.