October 02, 2023 | 13:55 GMT+7

Bộ Tài chính từ chối một số kiến nghị của VASEP

Chu Khôi -

Một số kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) như cho phép không hồi tố thời gian chậm nộp thuế giá trị gia tăng, cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan hàng hóa… đã bị Bộ Tài chính bác bỏ với lý do “không có cơ sở”…

Một số kiến nghị của VASEP đã được Bộ Tài chính ghi nhận
Một số kiến nghị của VASEP đã được Bộ Tài chính ghi nhận

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 9494/BTC-VP gửi VASEP trả lời về đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp. Trong phụ lục kèm Công văn, Bộ Tài chính đề cập đến 6 nội dung đề xuất, kiến nghị của VASEP, nhưng chỉ có 3 nội dung được ghi nhận, xem xét và sửa đổi, bổ sung trong các văn bản thời gian tới; 3 đề xuất, kiến nghị còn lại bị bác bỏ.

NGÀNH THỦY SẢN CẦN TRỢ SỨC TỪ CHÍNH SÁCH

Theo VASEP, với gần 300 doanh nghiệp hội viên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 80 - 83% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của cả nước, VASEP đã đóng góp rất quan trọng vào con số xuất khẩu thủy sản kỷ lục 11 tỷ USD trong năm 2022, đưa Việt Nam trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

VASEP đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến 2025 là 12,5 - 14 tỷ USD. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc biệt là năm 2023, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm từ 20-50%, lượng tồn kho tăng. Hơn nữa, cùng với chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao, ngành thủy sản Việt Nam còn phải chịu áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn.

Trước diễn biến hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản đang tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó, như: chủ động, tìm kiếm cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục trở lại; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm; tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Từ cuối tháng 4/2023, VASEP đã có báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ và một số bộ, ngành kiến nghị các giải pháp hỗ trợ. Trong đó, đề xuất gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp.

Từ chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng), thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VND), thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.

VASEP cũng có văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí đến hết năm 2023.

Cùng với đó, kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương; kiến nghị xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; kiến nghị không hồi tố thời gian chậm nộp thuế giá trị gia tăng khi tái nhập hàng xuất khẩu; kiến nghị cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan hàng hóa…

BỘ TÀI CHÍNH XEM XÉT SỬA ĐỔI MỘT SỐ QUY ĐỊNH

Trong nội dung công văn trả lời, Bộ Tài chính nêu rõ: Bộ đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Đồng thời đã nghiên cứu, trình Chính phủ tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ.

Đối với kiến nghị về áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, VASEP đề nghị sửa đổi Điểm D, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; sửa đổi quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phi lãi vay tại Điểm C, Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán... để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo công văn trả lời, Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị, đề xuất của VASEP về việc xác định các bên có quan hệ liên kết trong trường hợp vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/NĐ-CP và sẽ tổng hợp vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các Hiệp hội, các doanh nghiệp để nghiên cứu, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020NĐ-CP trong thời gian tới.

BA KIẾN NGHỊ CHƯA ĐỦ CƠ SỞ XEM XÉT

Bộ Tài chính cũng cho biết chưa đủ cơ sở xem xét hoặc đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành một số nội dung kiến nghị của VASEP.

Một là, kiến nghị không hồi tố thời gian chậm nộp thuế giá trị gia tăng khi tái nhập hàng xuất khẩu đã được hoàn thuế giá trị gia tăng bị trả về. Trong đơn kiến nghị gửi Bộ Tài chính, VASEP phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị đối tác trả hàng về. Khi đó, doanh nghiệp phải làm thủ tục tái nhập lại hàng, bên cạnh việc phải kê khai và nộp lại tiền thuế giá trị gia tăng đã được hoàn trước đây, doanh nghiệp còn phải nộp thêm tiền phạt chậm nộp tính từ lúc doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Bộ Tài chính từ chối một số kiến nghị của VASEP - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate