September 22, 2023 | 17:02 GMT+7

Các doanh nghiệp thủy sản cần đặc biệt quan tâm tới rủi ro tài chính trong năm 2023

Thu Minh -

Trong năm 2023, FiinGroup nhận định rủi ro về tài chính sẽ là vấn đề mà các doanh nghiệp thủy sản cần đặc biệt quan tâm. Khó khăn đối với doanh nghiệp năm 2023 không chỉ dừng lại ở khâu bán hàng, việc tìm kiếm nguồn vốn đặc biệt là vốn vay cũng đang đặt ra một số trở ngại nhất định cho ngành thủy sản...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

FiinGroup vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành thủy sản với điểm nhấn trái với kết quả tích cực của năm 2022, xuất khẩu thủy sản năm 2023 chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô tiêu cực cả trong nước vào quốc tế.

KHÓ KHĂN NHẤT VỀ NGUỒN VỐN

Đầu tiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng Thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm đáng kể. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế từ Ấn Độ hay Ecuador đã khiến việc tìm kiếm các đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc các doanh nghiệp liên tục giảm giá.

Thứ hai, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho rất lớn ở năm trước.

Hai nhân tố chính trên đã tác động làm giảm giá trị xuất khẩu thủy sản nửa năm đầu 2023 khi giảm từ 5,7 tỷ USD trong năm 2022 về còn 4,1 tỷ USD trong năm 2023, tương ứng giảm khoảng 27%, đánh dấu sự đứt đoạn hồi phục kể từ năm 2021 của ngành.

Trong bối cảnh giá xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu quốc tế giảm, ngành thủy sản Việt Nam cũng cần phải giải quyết vấn đề hàng tồn kho cao của năm 2022. Theo quan sát của FiinGrooup về một doanh nghiệp thủy sản, bình quân tồn kho ước tính đã tăng tới gần 30% từ 4,4 tỷ VND lên hơn 5,6 tỷ VND vào cuối thời điểm năm 2022.

Việc tồn đọng hàng tồn kho cao vào cuối năm trước trong khi thời gian luân chuyển hàng tồn kho chậm sẽ có thể dẫn tới các chi phí lưu trữ bảo quản hàng tồn kho gia tăng thêm trong bối cảnh lạm phát trong năm 2023. Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp thủy sản nếu như không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ trong năm 2023.

Các doanh nghiệp thủy sản cần đặc biệt quan tâm tới rủi ro tài chính trong năm 2023 - Ảnh 1

Khó khăn đối với doanh nghiệp năm 2023 không chỉ dừng lại ở khâu bán hàng, việc tìm kiếm nguồn vốn đặc biệt là vốn vay cũng đang đặt ra một số trở ngại nhất định cho ngành thủy sản.

Tỉ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản luôn ở trên mức 50% và tỉ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn chủ sở hữu ngành thủy sản có xu hướng giảm trong giai đoạn 2018-2022. Điều này cho thấy việc tài trợ dài hạn cho doanh nghiệp thủy sản thường đến từ vốn tự có.

Giai đoạn cuối 2022 sang 2023, lãi suất tăng cao cùng với thắt chặt tín dụng sẽ vẫn tiếp tục khiến cho các doanh nghiệp thủy sản gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất – xuất khẩu. Việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay sẽ khiến doanh nghiệp ngành thủy sản chưa thể đầu tư phát triển công nghệ để giải quyết bài toán năng suất, giảm chi phí sản xuất đã đề cập ở phần trước.

Trong năm 2023, FiinGroup nhận định rủi ro về tài chính sẽ là vấn đề mà các doanh nghiệp thủy sản cần đặc biệt quan tâm.

GIẢI PHÁP NÀO GỠ KHÓ?

Ngành sản xuất thủy sản của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong hành trình phục hồi của mình trong năm 2023. Những thách thức này xuất phát từ tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế và các vấn đề đang kéo dài từ năm 2022. Các thách thức quan trọng bao gồm việc quản lý hàng tồn kho chưa hiệu quả, đối phó với sự gia tăng trong chi phí sản xuất và khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tài chính.

Bên cạnh các giải pháp bản thân các doanh nghiệp cần tự thực hiện, Chính phủ và Hiệp hội ngành cũng nên có sự hỗ trợ nhất định cho ngành thủy sản để tháo gỡ các khó khăn.

Cụ thể, đối với những thách thức này, các doanh nghiệp thủy sản nên tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn tài chính thông qua việc cộng tác mạnh mẽ với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư. Sự hợp tác này có thể bao gồm việc thiết lập các đối tác chiến lược và phân tích các lựa chọn tài chính khác nhau.

Doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm các nguồn vay dài hạn nhằm tập trung cho việc nghiên cứu phát triển hay đầu tư vào công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó tăng giá trị xuất khẩu và giảm thiểu được áp lực giá bán quốc tế.

Các doanh nghiệp thủy sản cần đặc biệt quan tâm tới rủi ro tài chính trong năm 2023 - Ảnh 2

Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng có thể áp dụng các chiến lược linh hoạt và tiến hành phân tích rủi ro toàn diện để vượt qua biến động trên thị trường.

Từ quan điểm của Chính phủ, việc tăng tốc việc thực hiện các biện pháp cụ thể để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thủy sản là cực kỳ quan trọng. Điều này bao gồm việc hỗ trợ việc cấp vốn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các gói vay tín dụng như gói vay 10 nghìn tỷ VND, tối ưu hóa chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Đồng thời, việc tích cực thúc đẩy xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp thủy sản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải thiện hiệu suất sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng sẽ hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai.

Cũng cần lưu ý các chính sách của Chính phủ cũng cần phải duy trì sự phù hợp với các hiệp định thương mại giữa các đối tác quốc gia để đảm bảo môi trường thuận lợi và cạnh tranh cho sự phát triển và khả năng phục hồi của ngành công nghiệp thủy sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate