August 07, 2023 | 15:47 GMT+7

Xuất khẩu thủy sản khó hoàn thành mục tiêu

Chu Khôi -

Dự báo, với những điều kiện thuận lợi như thị trường phục hồi và nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu ổn định, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 sẽ thu về khoảng 9 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là trên 10 tỷ USD…

Xuất khẩu thủy sản trông chờ vào những tháng cuối năm.
Xuất khẩu thủy sản trông chờ vào những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản đem về 830 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm là 345 triệu USD, giảm 10%; cá tra đạt 150 triệu USD, giảm 20%; cá ngừ giảm nhẹ 3% và các loại cá khác giảm 12% so với tháng 7/2022.

Tính chung 7 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022…

XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG TRUNG QUỐC TĂNG 45%

Về góc độ thị trường, tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc, trong tháng 7/2023 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 180 triệu USD. Trong khi xuất khẩu sang các thị trường chính khác vẫn thấp hơn 5-40% so với tháng 7/2022.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang kỳ vọng tiếp tục tăng tốc xuất khẩu vào Trung Quốc trong các tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không như kỳ vọng trong các tháng tới có thể làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Điều đó cũng làm ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản vào thị trường chủ lực này. 

 

"Lũy kế 7 tháng, kim ngạch thủy sản ước đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn lại bức tranh xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng qua, giảm sâu nhất vẫn là cá tra - giảm 36%; tôm và cá ngừ giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái".

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP.

Nhu cầu tiêu dùng thủy sản tại thị trường Mỹ cũng được dự báo sẽ hồi phục nhờ dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát. Các khảo sát của Mỹ cho thấy, tồn kho cá da trơn size nhỏ (size cá tra) tại Mỹ trong tháng 7/2023 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, giảm 22% so với giai đoạn đầu năm nay và tương đương tháng 7/2021. Bên cạnh đó, lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng ăn uống, trong khi kênh nhà hàng chiếm 70% lượng tiêu thụ cá tra.

Trong tháng 7, cơ cấu sản phẩm và hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thủy sản đã có những điều chỉnh theo bối cảnh mới. Do vậy, dù nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh số so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn có những doanh nghiệp đạt được tăng trưởng dương trong kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay nhờ duy trì lao động, tận dụng công suất, chế biến hàng gia tăng và gia công xuất khẩu...

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, xuất khẩu tôm với xu thế phục hồi có thể thấy rõ trong tháng 7/2023 khi doanh số của Công ty Sao Ta đạt 21,3 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 18% so với tháng 6/2023. 

“Trong quý 3 này, các doanh nghiệp thủy sản trên đà tăng tốc với hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ tăng chỉ là một tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn bền vững”, ông Hồ Quốc Lực nhận định.

KỊCH BẢN NÀO CHO NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM?

Đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 là trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này liệu có đạt được hay không?

Theo VASEP, có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm.

Thứ nhất, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp Lễ hội cuối năm và Năm mới.

Thứ hai, nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.

Thứ ba, các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.

Với kịch bản thuận lợi đó, xuất khẩu thủy sản 5 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD, khi đó tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022.

Trong đó, dự báo tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5-3,6 tỷ USD; giảm 16% -18% so với cùng kỳ năm trước. Cá tra giảm 28% đạt 1,7 – 1,8 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14 -15% đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD. Xuất khẩu cá biển sẽ ước đạt 1,9 – 2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.

“Các thị trường chính chắc chắn sẽ vẫn mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24-25% so với năm 2022, Xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP nhận định.

 

"Thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại với dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỷ USD tại Trung Quốc".

Theo VASEP

VASEP cũng đưa ra kịch bản kém lạc quan hơn, là khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…

Hơn nữa, các vấn đề của ngành chưa có giải pháp tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài: giá thành sản xuất cao vì các chi phí đầu vào như thức ăn nuôi và con giống cao, lợi nhuận sụt giảm, thiếu vốn để duy trì đầu tư nuôi các vụ tới, bà con bỏ ao, dẫn đến thiếu nguyên liệu đáp ứng đơn hàng nửa cuối năm…

Nếu xảy ra kịch bản kém này, thì có thể dẫn đến dự đoán, xuất khẩu 5 tháng cuối năm chỉ có thể đạt được khoảng 3,5-3,7 tỷ USD. Khi đó, cả năm 2023, xuất khẩu có thể chỉ mang về khoảng 8,5 – 8,7 tỷ USD. Trong đó, tất nhiên, sụt giảm sâu nhất vẫn nằm ở 2 ngành hàng cá tra và tôm.

Xuất khẩu hải sản có thể sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của đoàn thanh tra EU vào tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng điều quan trọng là các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, trên cơ sở phải giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Để từ đó có thể xuất khẩu mạnh trong giai đoạn phục hồi.

“Bên cạnh đó, cần phải có các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở làm sao mở rộng được thị trường. Đặc biệt là với thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Bởi vì rõ ràng đây là thị trường có sức phục hồi tương đối nhanh trong thời gian tới”, ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Tổng thư ký VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cần tiếp tục củng cố về mặt chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế, cũng như các vấn đề về kinh tế xanh, đảm bảo được thương hiệu và khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam ra thị trường thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate