November 11, 2021 | 14:25 GMT+7

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn về sách giáo khoa có “sạn”

Nguyễn Tuyến -

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại hội trường sáng 11/11, chủ đề về sách giáo khoa nhận được nhiều ý kiến chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội...

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 11/11.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 11/11.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) phản ánh ý kiến dư luận cho rằng bộ sách khoa học tự nhiên, tiếng Việt Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số điểm thiếu tính khoa học và giáo dục, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa thời gian tới.

CẦN GIẢI TRÌNH TRƯỚC CÔNG LUẬN VỀ "SẠN" SÁCH GIÁO KHOA

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết khi có các ý kiến về sách giáo khoa, hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh.

"Về lâu dài, Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn", Bộ trưởng thông tin.

Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã dùng quyền tranh luận.

“Sách giáo khoa có ‘sạn’ thì học sinh đã mua và đã học. Vì thế dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ”, bà Thúy nêu quan điểm.

Theo bà, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Đồng thời, tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập. Trách nhiệm thứ hai thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ. Thứ ba, là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sách giáo khoa có ‘sạn’”, đại biểu thẳng thắn chỉ ra.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11 - Ảnh: VGP
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11/11 - Ảnh: VGP

Tiếp nhận ý kiến tranh luận của đại biểu Kim Thuý, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, mỗi quyển sách giáo khoa là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học nhưng ít được nói đến.

"Chúng ta được nghe nói và được biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng về ‘sỏi và sạn’ trong sách giáo khoa. Vì cứ có một ‘viên sạn’ thì mạng nói rất nhiều. Tuy nhiên, không vì một vài ‘viên sỏi, viên sạn’ mà nghi ngờ cả chủ trương về sách giáo khoa”, Bộ trưởng phát biểu.

Chất lượng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề được đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) và Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) quan tâm và yêu cầu Bộ trưởng giải trình thêm, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Kim Sơn khẳng định cần nhiều yếu tố để nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Trong đó, người soạn sách là đặc biệt quan trọng, bên cạnh quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến các đối tượng liên quan khác nhau.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi thông tư 33 về biên soạn, thẩm định xuất bản sách giáo khoa và đang được lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, Bộ chủ trương không đợi tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến mới thẩm định mà sẽ giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu.

"Mặc dù xã hội hóa nhưng cần giám sát toàn bộ quá trình và có sự đồng hành của nhà quản lý chứ không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả", Bộ trưởng khẳng định và cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia biên soạn sách. Người biên soạn không được tham gia hội đồng thẩm định. Để gia tăng trách nhiệm, những người tham gia hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa, cùng chịu trách nhiệm.

CẦN CÓ QUY TRÌNH "BẤT DI BẤT DỊCH" KHI ĐƯA SÁCH GIÁO KHOA VÀO SỬ DỤNG

Cũng tham gia tranh luận về chủ đề chất lượng sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề xuất cần có quy trình "bất di bất dịch" trong việc quyết định sử dụng những bộ sách giáo khoa trong tương lai và không rút ngắn, thay đổi vì bất cứ nguyên nhân gì.

Đại biểu gNuyễn Lân Hiếu tham gia tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu gNuyễn Lân Hiếu tham gia tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: Quochoi.vn

“Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai sách giáo khoa mới trong thời gian vừa qua hay chưa?", đại biểu đoàn Bình Định đặt câu hỏi cho trưởng ngành giáo dục.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Kim Sơn cho biết sách giáo khoa đang được biên soạn và sử dụng để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có sự khác nhau về tính chất, cách thức sử dụng so với sách giáo khoa chương trình cũ. Sách giáo khoa mới được xem là học liệu và là căn cứ để xã hội hóa, triển khai có nhiều bộ khác nhau. Tuy nhiên, ông cho biết quan điểm của bộ là bất cứ tài liệu nào - dù là học liệu – khi được đưa vào giảng dạy phải đạt chuẩn mực, tính khoa học, sư phạm và chủ chương của bộ là cố gắng để có những bộ sách giáo khoa tốt nhất.

“Về việc thực nghiệm, vì đây là học liệu nên quá trình triển khai thiên về việc giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện được chương trình. Còn tính khoa học, chính xác đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia”, Bộ trưởng nêu rõ.

Ông cũng chỉ ra rằng, hiện tại Thông tư 33 không nêu tỷ lệ thực nghiệm là bao nhiêu % mà chỉ quy định hồ sơ trình nộp có mô tả về thực nghiệm. Đây là điểm sẽ được sửa đổi với Thông tư 33 để tăng chất lượng sách giáo khoa.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng khẳng định sẽ xem xét trước khi khí ban hành thông tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate