November 09, 2021 | 07:00 GMT+7

“Bộ Giáo dục và Đào tạo lúng túng và chậm trễ, chưa có tầm nhìn dài hạn trong ứng phó dịch”

Quang Trung -

Đây là ý kiến được bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng - nêu tại phiên thảo luận chiều 8/11 của Quốc hội...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

Tại phiên thảo luận chiều 8/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đã nêu nhiều ý kiến liên quan tới lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là việc triển khai dạy và học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thời gian qua.

CHƯA CÓ TẦM NHÌN DÀI HẠN

Bà đánh giá các nhà quản lý giáo dục thời gian qua đã có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng.

“Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm nay nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như chưa có động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy đánh giá.

Bà dẫn chứng, ngày 4/8/2021, khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành kèm theo quyết định số 2551 của Bộ vẫn hệt như mọi năm, không có dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để triển khai linh hoạt, hiệu quả và an toàn. Gần đây, việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành.

“Gần 2 năm qua, Bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện việc học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động, hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và đối tượng khó khăn. Đây là những hạn chế cần được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm”, đại biểu đoàn Đà Nẵng thẳng thắn chỉ ra.

Ngoài vấn đề triển khai dạy và học trong dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng chỉ ra những bất cập trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa hiện nay.

“Về việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông theo các quyết định của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, tôi chia sẻ với ngành giáo dục về những khó khăn lớn mà đại dịch gây ra khi vừa bắt đầu thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, tôi xin thẳng thắn nhận xét bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục ở không ít địa phương chưa quán triệt đầy đủ Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục về sách giáo khoa”, đại biểu chỉ ra.

Dựa trên nghiên cứu các Nghị quyết, Quyết định và Luật giáo dục, bà Thúy cho biết, nếu như điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông được định hướng là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học, thì điểm mới nhất trong lĩnh vực sách giáo khoa được Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục xác định là xã hội hóa, phát huy nguồn lực xã hội, đảm bảo đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Tuy nhiên, theo bà, vào đầu năm học mới vừa qua, báo chí đã lên án khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ sách giáo khoa khoa học tự nhiên, ngữ văn và tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

“Báo chí cũng phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học. Dư luận còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách giáo khoa bắt nguồn từ Thông tư số 25 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, đại biểu đoàn Đà Nẵng cho biết.

Theo bà, nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng phàn nàn về việc Thông tư này trao hoàn toàn quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy quan ngại rằng, nếu việc này tiếp tục diễn ra, chủ trương xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

“Trước kỳ họp tôi đã nhận được đơn kiến nghị, tố cáo kèm theo tài liệu có liên quan, tôi sẽ chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền”, đại biểu cho biết.

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Thông tư 25, tiến hành thanh tra các công việc biên soạn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa và điều chỉnh những bất cập trong quá trình thực hiện.

SỚM BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN DẠY HỌC TRỰC TUYẾN

Cũng quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn nhận việc dạy và học theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh là giải pháp kịp thời và cấp thiết. Tuy nhiên, qua khảo sát, đại biểu cho biết vẫn còn nhiều hộ gia đình học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng để học tập trực tuyến; hạ tầng công nghệ, đường chuyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Dương Tấn Quân - Ảnh: Quochoi.vn

Để khắc phục những tồn tại này, đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào đào cân nhắc rà soát và hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa. Cùng với đó, phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ sử dụng; bổ sung bài giảng, xây dựng kho học liệu điện tử kết nối với hệ tri thức Việt, số hóa chia sẻ chung cho cả nước.

Đại biểu cũng cho rằng các bộ và ngành liên quan cần phối hợp để quy định thống nhất về thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Sớm hướng dẫn quy đổi tiết dạy, trực tiếp với tiết dạy trực tuyến trong việc tính tiết vượt trội cho giáo viên.

Về phương pháp và thiết kế bài học trực tuyến, đại biểu kiến nghị cần lựa chọn và quy định phần mềm từng cấp học trong dạy học trực tuyến.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm công cụ dạy học trực tuyến. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước, truy cập Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giá cước sử dụng các ứng dụng phần mềm phục vụ trong giáo dục đào tạo và quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục, giảm giá dịch vụ thuê máy chủ băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), cho rằng thời gian qua công tác dạy và học trực tuyến tồn tại nhiều bất cập về nội dung, thời gian giảng dạy, khả năng tiếp thu, thái độ học tập của học sinh, không gian giảng dạy, trang phục thầy cô và học sinh cũng chưa phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: Quochoi.vn

Do đó, đại biểu kiến nghị xem học trực tuyến như học thường lệ và duy trì nghiêm túc tất cả quy định của nhà trường đối với thầy cô học sinh, như về không gian học, thời gian học, trang phục của thầy cô, học sinh; quy định chào, hỏi, tạm biệt, xin phép ra ngoài…

“Việc không quy định rõ nội quy học tập, điều kiện học tại nhà không chỉ làm mất nề nếp, thiếu đi phần tiên học lễ trong giáo dục mà cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập, đến việc hình thành nhân cách của trẻ”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhận định.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Bình Định cũng bày tỏ quan ngại về việc học sinh có nguy cơ mắc các tật ở mắt do học trực tuyến lâu dài. Do dó, đại biểu đề nghị có chương trình hỗ trợ thiết bị học tập để học sinh không xem điện thoại di động là thiết bị học trực tuyến.

“Chúng ta cần có chính sách tốt hơn để các em nhanh chóng có thiết bị học tập đảm bảo an toàn cho mắt, để sau này lớn lên các em sẽ nhớ trong đại dịch dưới mái trường xã hội chủ nghĩa các em luôn được quan tâm, lo lắng. Đây cũng là một yếu tố tích cực để sau này các em hình thành trách nhiệm đối với xã hội”, đại biểu nêu ý kiến.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate