Ngày 2/1/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì buổi gặp mặt, trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí về định hướng phát triển, hoạt động truyền thông của ngành Nông nghiệp trong năm 2025. Cùng dự có Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ.
SÁU GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2025
Thông tin về kết quả năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết ngành Nông nghiệp đã có những thành tựu vượt bậc. Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính: 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi: 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính: 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản: 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, tăng 1 sản phẩm so với năm 2023.
Khẳng định năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá về đích cho mục tiêu Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ra một số mục tiêu cụ thể. Đầu tiên là tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 - 3,4%, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 64 - 65 tỷ USD. Tiếp đến, về nông thôn mới, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ xã đạt chuẩn trên 80%, có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ che phủ rừng được đề ra là 42,02% và tỷ lệ hộ ở nông thôn được sử dụng nước sạch là 60%.
Để đạt được những mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu lên 6 giải pháp kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Thứ hai, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Thứ ba, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.
Thứ năm, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.
CÙNG NHAU KIẾN TẠO KHÔNG GIAN MỚI CHO NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN
Chia sẻ tại buổi họp báo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn trong mỗi cuộc họp báo, trao đổi giữa Bộ với báo chí, các nhà báo có thể không hỏi, mà đưa ra ý tưởng, đưa ra các vấn đề mình còn trăn trở, còn tâm tư. Từ đó, cùng nhau trao đổi, hướng đến mục tiêu những nhà báo kiến tạo cho ra đời những tin tức kiến tạo.
Theo Bộ trưởng, đất nước quá rộng lớn, ngành nông nghiệp rất rộng lớn nên các lãnh đạo Bộ không thể nắm hết được tất cả các vấn đề. Trong khi đó, các nhà báo là những người có cơ hội đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên có thể chia sẻ với Bộ những kiến thức, hiểu biết và tâm tư của mình.
Lấy ví dụ Thiên hoàng Minh Trị kêu gọi giới nghệ sỹ, nhà báo đưa ra ý kiến, khơi gợi sự thay đổi cho nước Nhật Bản trong quá trình canh tân và thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các nhà báo sẽ cùng kiến tạo với ngành nông nghiệp.
“Thông điệp đầu năm mà tôi muốn chia sẻ là các nhà báo sẽ trở thành người đồng hành với ngành nông nghiệp, cùng nhau kiến tạo. Chúng ta sẽ phát triển rực rỡ hơn, cùng vươn mình, giúp ngành nông nghiệp cũng như giúp các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đề cập về những vấn đề nổi cộm trong nông thôn, Bộ trưởng mong muốn các nhà báo, phóng viên vào cuộc để làm thế nào mỗi làng quê đều trở thành nơi đáng sống, đáng quay về, làm sao để người dân nông thôn bớt bỏ ra thành phố.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Điều này các nhà báo có thể làm được, chung tay chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết được “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của ngành nông nghiệp. Tôi tin tưởng các nhà báo có thể viết, có thể tôn vinh những con người bình dị, những nông dân bình dị ở làng quê để họ có thể liên kết lại với nhau, để nâng tầm nông sản, nông thôn. Tôi mong muốn, Bộ và các cơ quan báo chí sẽ cùng nhau tìm ra được những điều mới mẻ trong nông nghiệp, chứ không đứng ở 2 cực của 1 vấn đề”.
"Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều biến động trên thế giới, nên đòi hỏi nhiều trí tuệ để có thể vượt qua. Trong đó, không thể không kể đến những bộ óc, những trí tuệ của các nhà báo", Bộ trưởng nhấn mạnh; đồng thời cho rằng mặc dù có nhiều vấn đề, nhưng cùng với đó luôn tồn tại các giải pháp. Điều quan trọng hiện nay là cần đến sự kiến tạo, đề xuất, tham gia của các nhà báo để cơ quan quản lý có thể giải quyết những vấn đề này.