May 09, 2025 | 10:05 GMT+7

Bộ trưởng Mỹ: Đàm phán thương mại với Nhật, Hàn sẽ mất thời gian hơn với Anh

An Huy -

Nhận định này được xem là một dấu hiệu cho thấy một số đối tác thương mại của Mỹ ở khu vực châu Á có thể đợi lâu hơn để được Washington hạ thuế quan...

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick - Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick - Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói rằng thỏa thuận thương mại giữa nước này với Nhật Bản và Hàn Quốc có thể mất nhiều thời gian để đàm phán hơn so với thỏa thuận khung với Anh mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố.

Nhận định này được xem là một dấu hiệu cho thấy một số đối tác thương mại của Mỹ ở khu vực châu Á có thể đợi lâu hơn để được Washington hạ thuế quan - theo hãng tin Bloomberg.

“Sẽ mất nhiều thời gian với Nhật Bản và Hà Quốc. Đây sẽ không thể là những thỏa thuận nhanh chóng được”, ông Lutnick nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg TV.

Ông Lutnick cho biết thêm Ấn Độ “đang rất cố gắng” và nước này chắc chắn có khả năng sẽ nằm trong số những quốc gia tiếp theo đạt thỏa thuận. Dù vậy, ông thận trọng rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm”.

“Khi nói về Ấn Độ, có khoảng 7.000 dòng thuế” phải được thay đổi hoặc điều chỉnh trong một thỏa thuận giả định. Việc này cần thời gian và nỗ lực. Bởi vậy, hay cho chúng tôi thời gian và đừng hối thúc”, vị Bộ trưởng Mỹ nói.

Ngoài ra, ông Lutnick bày tỏ hy vọng rằng các thỏa thuận đầu tiên có thể sẽ là hình mẫu cho thỏa thuận với các quốc gia khác trong cùng một khu vực. Những thỏa thuận đó sẽ phản ánh dạng nhượng bộ mà ông Trump muốn có từ các đối tác thương mại để đổi lấy việc ông hạ hàng rào thuế quan.

“Chúng tôi đang cố gắng cho mọi người thấy một khuôn khổ để làm ăn, để chúng ta có thể triển khai mọi việc nhanh chóng đúng hơn nhiều”, ông Lutnick phát biểu.

Trong một cuộc họp báo ngày 8/5 tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố đạt một thỏa thuận thương mại khung Mỹ - Anh, thỏa thuận lớn đầu tiên kể từ khi ông áp thuế quan đối ứng hồi đầu tháng 4.

Theo thỏa thuận này, Mỹ giữ nguyên thuế quan đối ứng 10% với hầu hết hàng hóa Anh, nhưng giảm thuế quan với ô tô Anh từ mức 27,5% hiện tại xuống còn 10%, đồng thời đưa thuế quan đối với thép và nhôm Anh về 0%. Về phần mình Anh nhất trí giảm thuế quan bình quân đối với hàng Mỹ xuống 1,8% từ 5,1% và mở rộng thị trường cho hàng Mỹ.

Cùng với đó, ông Trump nói ông kỳ vọng các nhà đàm phán thương mại của Mỹ sẽ có một “cuối tuần tốt đẹp” với giới chức Trung Quốc trong cuộc gặp tại Thụy Sỹ vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật tuần này.

Ông Lutnick - một trong những nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ hiện nay - nói rằng thuế suất cơ sở 10% của thuế đối ứng sẽ là mức tối thiểu và nhiều quốc gia sẽ bị áp mức thuế cao hơn nhiều trừ phi họ mở cửa mạnh mẽ cho hàng hóa Mỹ. Ông cũng nói thỏa thuận với Anh cho thấy những cách thức mà các quốc gia khác có thể thực hiện theo để được ông Trump giảm thuế quan áp theo từng ngành hàng như ô tô và kim loại.

Tuy nhiên, giới chức cả Anh và Mỹ đều thừa nhận rằng còn nhiều chi tiết của thỏa thuận cần được đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng. Chưa kể, hai bên còn chưa thống nhất được về những vấn đề quan trọng, gai góc lâu nay như thuế dịch vụ số và tiêu chuẩn thực phẩm của Anh.

Sau khi tuyên bố đạt thỏa thuận với Anh, ông Trump nói với các nhà báo rằng ông đang “tiến rất gần đến” ký thêm nhiều thỏa thuận. “Chúng tôi sẽ có một loạt thỏa thuận”, ông nói.

Ông Trump công bố thỏa thuận với Anh trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer lên đường tới Geneva để tiến hành vòng đàm phán thương mại đầu tiên với Trung Quốc. Năm nay, ông Trump đã áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 125% áp lên hàng Mỹ.

Giới phân tích nhận định đàm phán Mỹ - Trung sẽ phức tạp và kéo dài hơn so với đàm phán giữa Mỹ với các quốc gia là đối tác và đồng minh truyền thống của Washington. Dù vậy, ông Trump ngày 8/5 phát tín hiệu sẵn sàng giảm thuế quan cho Trung Quốc nếu đàm phán có bước tiến.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có một mối quan hệ rất tốt đẹp”, ông phát biểu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate