Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 26/11, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công thương phối hợp với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Logisitics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trên fanpage VnEconomy.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được tầm quan trọng này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Song người đứng đầu ngành Công Thương cũng thẳng thắn, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Cụ thể, chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Đặc biệt sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.
Do đó, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 - sự kiện thường niên được tổ chức lần thứ 10 (từ năm 2013 đến nay) với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
Qua 9 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành thương hiệu uy tín, có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Sự kiện cũng là dịp để các bên liên quan cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của ngành và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ quan trọng này.
Nhấn mạnh mục tiêu của diễn đàn năm nay, Bộ trưởng Công Thương cho rằng tiếp nối thành công của Diễn đàn Logistics các năm trước, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Logistics xanh" nhằm truyền tải thông điệp của Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng "xanh hóa", khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26, nhất là đối với những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn như ngành dịch vụ logistics.
Ngoài chủ đề của Phiên toàn thể, Diễn đàn còn có 2 hội thảo chuyên đề về “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” và “Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới”.
“Đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay bởi phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành”, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.
Vì vậy, tại diễn đàn này, người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ về những ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động dịch vụ logistics.
Đồng thời, hiến kế, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các cơ chế chính sách, giải pháp hữu hiệu nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Cũng như tận dụng tối đa những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản phẩm, đa dạng hoá thị trường và chuỗi cung ứng, thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt là các giải pháp về phát triển logistics xanh, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần hiện thực hoá mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.