Chiều 24/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam và các Tổng công ty: Đông Bắc, khí Việt Nam về việc triển khai kế hoạch cung ứng điện, Biểu đồ cung cấp than, khí cho sản xuất điện và các giải pháp bảo đảm an ninh cung ứng điện năm 2024.
Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp đã báo cáo tình hình thực hiện cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024; đồng thời nêu ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương để đảm bảo cung ứng đủ điện năm 2024 và cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện năm 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của các Tập đoàn, Tổng công ty trong việc bảo đảm cung ứng điện và cung cấp nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện thời gian qua, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát, cũng như duy trì đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động tại các đơn vị.
Để đảm bảo an ninh cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty trong mọi tình huống không được để xảy ra tình trạng thiếu điện, thiếu nhiên liệu than và khí cung cấp cho sản xuất điện để phục vụ cho nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân; không được để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng và tình trạng sự cố tổ máy phát điện kéo dài.
Ngoài ra, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng cần tiếp tục thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến việc cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện, bao gồm các nhiệm vụ chung sau:
Thứ nhất: Thực hiện nghiêm Kế hoạch cung ứng điện và Biểu đồ cung cấp than năm 2024 đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Thứ hai: Tăng cường phối hợp hiệu quả, thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí cho sản xuất điện theo nguyên tắc tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Thực hiện nghiêm điều khoản cam kết tại các Hợp đồng mua bán điện, mua bán than/khí cho sản xuất điện đã ký.
Thứ ba: Chủ động, tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phải đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mọi tình huống, không được để đứt gẫy nguồn cung.
Thứ tư: Khẩn trương chỉ đạo, khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố của các nhà máy và các tổ máy (nếu có) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động và sẵn sàng vận hành tối đa công suất trong điều kiện kỹ thuật cho phép.
Thứ năm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Chủ đầu tư các nhà máy điện trực thuộc trong việc thực hiện: Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; và các nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao tại các Văn bản liên quan;
Thứ sáu: Làm tốt công tác truyền thông trong thời gian tới để người dân, các thành phần kinh tế chia sẻ và hỗ trợ vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất doanh.
Ngoài các nhiệm vụ chung nêu trên, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Ủy ban cần triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Ủy ban các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết.
Thông báo Kết luận số 457/TB-VPCP của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, nêu rõ việc xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kịch bản xây dựng của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0 - 6,5%, trong điều kiện tổng nguồn điện chỉ có từ 50.000 MW đến tối đa là 52.000 MW.
Để thực hiện được kịch bản này, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp UBQLV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan phải chủ động trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phân công thực hiện kịch bản đã đề ra bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và có thể tính toán cao hơn (khi có điều kiện cho phép tăng trưởng cao hơn).