July 18, 2021 | 17:53 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong mọi tình huống, không được để đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu

Vũ Khuê -

Trong bối cảnh thực hiện giãn cách như hiện nay, phải phối hợp giữa việc điều tiết của thị trường và Nhà nước. Khi tình thế khó khăn hơn, Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vào vận chuyển, phân phối hàng”...

Cuộc họp trực tuyến sáng 18/7 về tình hình cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam.
Cuộc họp trực tuyến sáng 18/7 về tình hình cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam.

Cuộc họp trực tuyến diễn ra sáng nay (18/7) giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT với các Sở ngành địa phương để bàn giải pháp cung ứng hàng hóa cho 19 tỉnh, thành phía Nam khi các tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 19/7.

KHÓ KHĂN NHẤT LÀ NGUỒN CUNG

Thông tin về tình hình cung ứng hàng hoá thời gian qua tại các tỉnh, thành phố phía Nam, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dù số lượng hàng hoá thiết yếu đã được chuẩn bị tăng gấp 3 lần tại TP.HCM nhưng vẫn thiếu hàng cục bộ. Khiến giá cả hàng hoá tăng 5-10%, riêng mặt hàng rau củ quả tươi sống tăng mạnh, có nơi tăng lên đến 50-60% do thiếu nguồn cung cục bộ.

Nguyên nhân đội giá do thời gian vận chuyển tăng, chi phí nhân công tăng cao liên tục từ kho đến cửa hàng, chi phí lấy giấy xét nghiệm chỉ có tác dụng trong 3 ngày… 

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, chỉ trong vài ngày tình hình cung ứng hàng hoá thiết yếu của riêng TP.HCM đã rất nghiêm trọng; đứt gẫy chuỗi lao động sản xuất ra sản phẩm nên có hiện tượng thiếu hụt một số mặt hàng. Do đó, lần này việc áp dụng chỉ thị 16 trên 19 tỉnh, thành phố, nếu chúng ta không có biện pháp thì rất nguy cơ.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, TP.HCM hiện đang thiếu 2.000 tấn rau xanh, 3 triệu quả trứng/ngày… Khó khăn lớn nhất là nguồn cung.

 
"Hiện nhiều tỉnh cấm nông dân ra khỏi nhà. Các doanh nghiệp TP. HCM gặp khó khăn trong thu mua. Danh sách các nhà cung ứng lại không sát với thực tế, năng lực cung ứng được giới thiệu là hàng chục ngàn tấn nhưng khi liên lạc trực tiếp thì rất ít. Do đó, cần bảo vệ vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, trồng trọt".
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM

Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa Vũng tàu ông Nguyễn Văn Đồng cho biết, tỉnh đã có kịch bản về số lượng, nhu cầu của tỉnh để xem xét khả năng cung ứng. Từng cấp địa phương tự xây dựng kế hoạch cung ứng. Song khi thực hiện giãn cách, Vũng Tàu vẫn chưa lường được việc mua đột xuất tăng nhanh. Chính vì thế, một số sản phẩm không thể sản xuất như gia vị… bị đẩy giá lên do lưu thông khó khăn.

Vì vậy, ông Đồng kiến nghị mở lại chợ truyền thống và có những chỉ đạo cụ thể. Kiến nghị Bộ NN&PTNT có thông tin cụ thể về từng nguồn hàng lớn ở từng tỉnh, để các tỉnh chủ động tổ chức xe mua bán vận chuyển về địa phương.

Dù chưa xảy ra tình trạng khan hiếm, nhưng Sở Công Thương các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, An Giang kiến nghị không để các doanh nghiệp tự kết nối các đầu mối, mà cần có vai trò nhà nước trong vấn đề này để các doanh nghiệp kết nối tập trung tại một địa điểm. Khi có nguồn cung ổn định tại địa phương có thể hỗ trợ TP.HCM các mặt hàng địa phương có thế mạnh.

Bên cạnh đó, tăng cường thêm vaccine cho lực lượng thương mại; tạo mọi điều kiện để công tác vận chuyển, thông thương thuận lợi đến các địa bàn có nhu cầu hàng hóa cao.

 NHÀ NƯỚC SẼ THAM GIA ĐIỀU TIẾT THỊ TRƯỜNG

Trước ý kiến của đại diện Sở Công Thương các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, tình hình sẽ thay đổi từng giờ, nên cần phải xác định tính chất thời điểm hiện nay rất khác so với bình thường.

"Có thể chúng ta phải đối mặt với hàng hóa thiếu, tăng giá, lực lượng lao động đã bị ảnh hưởng khi nhiều tỉnh áp dụng chỉ thị 16. TP HCM đóng cửa chợ đầu mối, 70% lượng hàng trung chuyển diễn ra ở chợ đầu mối bị ngắt đi đương nhiên thiếu", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý.

Do đó, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh nếu không mở chợ đầu mối thì không thể khắc phục được tình hình cung ứng hàng hóa cho 19 tỉnh thành phía Nam. Bộ Công Thương đã gửi văn bản đề nghị các tỉnh không đóng cửa chợ truyền thống và đầu mối đi kèm với các biện pháp chống dịch triệt để, ưu tiên tiêm vaccine cho các tiểu thương, tăng giờ bán hàng và tăng điểm bán hàng lưu động. Hiện việc lưu thông chưa đồng nhất giữa các địa phương nên cần có sự phối hợp để tạo sự thông thoáng.

“Các báo cáo có tình hình khác với những gì tôi nắm được thông qua các phương tiện khác. Vì vậy, chúng ta cần biết cụ thể tình hình mới để có các biện pháp khả thi”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đồng thời đề xuất trong trường hợp cần thiết, lực lượng quản lý thị trường tham gia trên đường đi vì doanh nghiệp đang rất sợ khâu lưu thông hàng hóa. TP.HCM phải nghiên cứu mở rộng hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu, báo cáo hàng ngày về đầu mối hai Bộ để kịp thời xử lý. 

"Phải tiên lượng các vấn đề, phải có các thông tin cụ thể như đưa hàng về đâu… Ba khâu là thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện. Trong bối cảnh này phải phối hợp giữa việc điều tiết của thị trường và Nhà nước. Khi tình thế khó khăn hơn, Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vào vận chuyển, phân phối hàng".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bổ sung thêm, dự báo tình hình chuyển biến nhanh trong vài ngày tới, có thể phức tạp hơn, thậm chí nghiêm trọng nên việc cung ứng hàng hóa cho người dân TP. HCM và các tỉnh phía Nam là vấn đề hết sức khó khăn.

Lần cách ly này tính chất hoàn toàn khác, tình hình diễn biến phức tạp hơn có thể đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng. Mỗi địa phương dựng lên một hàng rào sẽ cản trở việc lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong mọi tình huống, hai ngành chịu trách nhiệm không được để đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Tổ công tác tiền phương 2 Bộ phối hợp với nhau để các lực lượng trên địa bàn tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương nhưng cũng phải tuân thủ chỉ đạo của hai Bộ.

Nhấn mạnh vai trò của lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, tăng cường lực lượng này cho các địa phương phía Nam để quản lý các hiện tượng tăng giá đột biến, trục lợi trong dịch bệnh.

Trong trường hợp ngành nông nghiệp cần người thu hoạch các mặt hàng thiết yếu để kịp thời cho nguồn cung, đề xuất Bộ Quốc Phòng huy động lực lượng bộ đội tại chỗ và dân quân địa phương thực hiện các hoạt động này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate