Vấn đề lương giáo viên, đặc biệt trong lần cải cách tiền lương tới đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi chất vấn trong nhóm lĩnh vực nội vụ sáng 7/11.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho biết giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thấy rằng mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với 1 triệu nhà giáo cũng đã có 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết chủ trương này của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương của năm 2024 hay không và giải pháp về chính sách cho nhà giáo”, đại biểu Nga nêu vấn đề.
Chia sẻ trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng nhìn tổng thể, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có lương và tiền lương theo các bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương, tuy nhiên do tính chất đặc thù nên vẫn còn thấp.
Do đó, trong thời gian tới đây, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. “Điều này là nhất quán”, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Thông tin với đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, về giải pháp cải cách tiền lương đồng bộ, toàn diện, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Nghị quyết 27 của Trung ương đã nêu rất rõ, có 6 vấn đề mới trong cải cách chính sách tiền lương.
Đó là xây dựng hệ thống bảng lương theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo; quy định mức lương thấp nhất của khu vực công và mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; cơ cấu lại giữa lương cơ bản 70%, phụ cấp 30% và thêm 10% nữa để thực hiện việc thưởng…
Cũng liên quan đến lương của người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, cho biết nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, hiện lương của nhóm này còn rất thấp. “Khi cải cách chính sách tiền lương mới thì Bộ trưởng có giải pháp nào để cải thiện lương của nhân viên trường học”, đại biểu chất vấn.
Về băn khoăn của đại biểu tỉnh Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá đây là câu hỏi rất thiết thực. Bộ trưởng cho biết hiện nay nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư có 150.000 viên chức. Chế độ lương với nhân viên trường còn rất thấp, chưa đảm bảo lương tối thiểu vùng theo quy định.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học, có phương án sắp xếp đúng danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương với nhóm này.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, đối tượng này đang là viên chức, họ không hưởng phụ cấp công vụ 25% nên tới đây xếp sang chính sách tiền lương mới sẽ thiệt thòi. Trong khi đó, nhiều đơn vị, địa phương, Bộ, ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức với những nhân viên này.
“Có những nhân viên kế toán 10 năm là viên chức nhưng chưa được thi thăng hạng. Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát để xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trong trường học, đảm bảo khi thực hiện cải cách tiền lương có điều kiện xếp lương cho họ tốt hơn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói và cho hay sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đối tượng đặc thù vì nhân viên trường học phải thực hiện nhiều nhiệm vụ kiêm nhiệm.
Cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, đề cập tình trạng một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng chưa được giao biên chế công chức. Đại biểu cũng băn khoăn việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho đội ngũ này sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết hiện nay, trên thực tế đang tồn tại một số cơ quan quản lý nhà nước nhưng biên chế viên chức, thuộc các khối như quản vụ, kiểm lâm của các vườn quốc gia, thanh tra giao thông, chăn nuôi thú ý, kiểm dịch động vật. Bà cho rằng đây là điều tồn tại từ trước khi hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số viên chức này, đến thời điểm 31/12/2022 là gần 7.200 người.
“Khi báo cáo với Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế, Bộ đã báo cáo thực trạng này như một sự tồn tại của lịch sử, cần chuyển vị trí viên chức thành công chức để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho các đối tượng này”, bà Trà nói.
Sau Kỳ họp thứ 4, Bộ đã báo cáo với Ban Cán sự Đảng, Chính phủ để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế. Hiện nay, Ban Chỉ đạo trung ương đang xem xét điều chuyển số viên chức này, đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước để trả lại thành công chức, thực hiện đúng chính sách cho họ.
Theo Bộ trưởng Trà, tới đây Bộ Nội vụ cũng sẽ đề nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế giải quyết nhanh để đảm bảo được việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.