November 01, 2023 | 10:04 GMT+7

Đề xuất lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp

Phúc Minh -

Cho rằng 10 năm qua, chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí không đủ trang trải cuộc sống, đại biểu Quốc hội kiến nghị trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...

Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh - Quochoi.vn.

Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nêu đề xuất này tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 1/11.

LƯƠNG THẤP, CÓ GIÁO VIÊN PHẢI CHUYỂN NGHỀ

Đề cập đến vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu Hà Ánh Phượng cho rằng, thực tế qua 10 năm thực hiện thì chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

“Nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề”, đại biểu trăn trở.

Ngoài vấn đề lương, đại biểu Hà Ánh Phượng cũng băn khoăn phụ cấp của giáo viên, đội ngũ nhân viên trường học rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Nhân viên trường học là bộ phận chiếm tỷ lệ không quá 10% biên chế trường học nhưng giữ vai trò quan trọng trong vận hành trường. Tuy nhiên, dù làm việc 8 tiếng/ngày, họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và không được hưởng thâm niên như nhà giáo.

Từ các thực tế như trên, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt, có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Phú Thọ cho rằng, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Theo đại biểu, việc này rất khó thực hiện và mong muốn lắng nghe ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

TỶ LỆ THANH NIÊN THẤT NGHIỆP VẪN Ở MỨC CAO

Cũng quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị cần rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên.

Đại biểu nêu thực tế, hiện tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ độ tuổi 15 -24 trong quý 3/2023 là 7,86%, riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,60%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 13,5%, thành thị là 9,8%...

Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. Ảnh - Quochoi.vn.

Theo đại biểu, thanh niên chính là lực lượng đông đảo tiên phong trong lao động sản xuất, song với những số liệu tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội và đến chính thu nhập, đời sống của thanh niên và gia đình họ. Từ đó, gây áp lực cho an sinh xã hội, đây cũng là nguyên nhân phát sinh các tệ nạn.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đánh giá lại công tác phân luồng học sinh, đánh giá lại chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đánh giá lại quá trình và kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho thanh niên; rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên.

Đại biểu cũng đề xuất sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cho lao động thanh niên nói riêng và lao động nói chung ở trong khu vực phi chính thức. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách thu hút thanh niên có trình độ và làm việc ở trong khu vực lao động chính thức để tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate