Thông tin này được Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh trong văn bản hướng dẫn về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết, việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
Có 4 trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 sẽ được trả lương ngừng việc, bao gồm:
Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Theo đó, tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động.
Cụ thể, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Hiện nay, theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, trong thời gian qua, do tác động bởi đại dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất.
Điều này đã khiến một số người lao động phải ngừng việc xuất phát từ các tác động của dịch. Vì vậy, cơ quan này đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện trả lương trong thời gian ngừng việc theo đúng quy định của pháp luật lao động.
Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đợt bùng phát dịch thứ tư (từ ngày 27/4) đã xâm nhập vào “thành trì” rất quan trọng là các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động, khoảng 4 triệu người.
Một số địa phương có lực lượng lớn lao động bị ảnh hưởng như: TP.HCM 1,6 triệu, Bình Dương 1,2 triệu, Long An, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang cũng có lượng lớn lao động bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, như Bắc Giang phải đóng cửa cả 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, 150.00 lao động phải tạm ngừng việc.
Nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách từng khu vực, đóng cửa hầu hết các dịch vụ sản xuất kinh doanh, đời sống hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng.