Theo nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management, dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số nước châu Á như Ấn Độ, Việt Nam có thể giúp “thay đổi vận may” của Trung Quốc.
“Trước đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất toàn cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ ra khỏi Trung Quốc. Nhờ đó, một số quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển này”, Zhang Zhiwei cho biết.
Tuy nhiên, tình thế giờ đây đã thay đổi và chuỗi cung ứng có thể quay đầu trở lại Trung Quốc khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại Ấn Độ và Việt Nam, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management nhận định.
“Trước đại dịch, các công ty chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc - như Samsung, Foxconn, đều là những công ty tên tuổi - sang Việt Nam, Ấn Độ”, ông Zhang nói với CNBC mới đây.
Theo ông, đợt bùng dịch gần đây đã buộc các nhà máy của Foxconn, nhà thầu sản xuất lớn của Apple, phải đóng cửa tại Việt Nam và Ấn Độ. Điều này có thể việc dịch chuyển chuỗi cung ứng phải hoãn lại một thời gian.
“Vấn đề quan trọng ở đây là hoạt động đi lại quốc tế bị đình trệ, vì vậy các công ty đa quốc gia không thể cử nhân viên của họ đến Ấn Độ và Việt Nam để thiết lập các nhà máy mới”, Zhang nói thêm.
Từ tháng 4, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Ấn Độ liên tiếp lập kỷ lục và chưa có dấu hiệu giảm. Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế quốc gia Nam Á này có thể sẽ quay đầu suy giảm trong quý 2.
Còn tại Việt Nam, ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu đóng cửa 4 khu công nghiệp, trong đó có 3 cơ sở sản xuất của Foxconn, tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19.
“Tình huống này có thể có lợi cho Trung Quốc”, Zhang nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng lợi ích cho phía Trung Quốc lớn đến đâu còn phụ thuộc vào việc tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Ấn Độ và Việt Nam kéo dài bao lâu.
Hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đạt 20-40% mỗi tháng. Theo ông Zhang, nếu các nhà máy tại Ấn Độ và Việt Nam trở lại hoạt động sớm, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm xuống trong nửa cuối năm nay, khi các công ty tiếp tục dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam.
“Còn nếu chuỗi cung ứng tại Ấn Độ và Việt Nam bị gián đoạn trong một thời gian dài, chúng ta có thể thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt 20-30% trong năm tới”, Zhang cho biết.