Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang là những quốc gia dẫn đầu trong xu hướng các doanh nghiệp toàn cầu đa dạng hoá nguồn cung cấp hàng hoá khỏi Trung Quốc.
Loadstar - một tờ báo chuyên theo dõi chuỗi cung ứng toàn cầu - đưa tin một công ty kiểm tra chất lượng và kiểm soát chuỗi cung ứng có tên Qima với trụ sở ở Hồng Kông đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của 700 công ty có chuỗi cung ứng quốc tế.
Cuộc khảo sát tiến hành trong quý 1 cho thấy hoạt động mua hàng hoá từ Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại, nhưng vẫn chưa đạt tới mức như trước khi Covid-19 trở thành đại dịch.
"Những nguồn cung cấp hàng hoá thay thế như Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến sự tăng trưởng bền vững", báo cáo của Qima được Loadstar trích dẫn.
Chẳng hạn, mức độ phổ biến của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây, dẫn tới mức tăng 16% về số cuộc kiểm tra và kiểm toán về nguồn hàng từ Việt Nam trong quý 1 năm nay.
"Đây là quý tăng trưởng thứ ba liên tiếp của Việt Nam, bắt đầu từ giữa năm 2020", Qima giải thích, nhấn mạnh rằng nhu cầu kiểm tra nguồn hàng từ Việt Nam trong quý 1 đã tăng gấp đôi so với quý 1/2019. Ngoài ra, có tới 43% doanh nghiệp có trụ sở ở Mỹ trong cuộc khảo sát của Qima nói rằng Việt Nam là 1 trong 3 nguồn hàng lớn nhất.
"Ngoài ra, cơn khát hàng hoá từ Việt Nam còn chưa được thoả mãn, và nhiều khả năng sẽ định hình lại bức tranh cung ứng hàng hoá trong năm 2021", báo cáo của Qima có đoạn viết.
"Khoảng 1/3 đơn vị mua hàng trên toàn cầu, và 38% ở Mỹ, xem Việt Nam là một trong những đích đến khi họ có kế hoạch mua thêm hàng hoá trong năm nay".
Các nguồn hàng thay thế khác ở Đông Nam Á cũng đạt kết quả tốt trong quý 1. Theo dữ liệu của Qima, mức tăng trưởng các cuộc kiểm tra nguồn cung ứng ở Đông Nam Á đạt 2 con số ở tất cả các quốc gia, "nhờ mối quan tâm mới từ các thương hiệu Mỹ và châu Âu".
Loadstar mới đây cũng đưa tin rằng nhập khẩu hàng hoá bằng tàu container từ khu vực ASEAN vào Mỹ hiện đang tăng trưởng nhanh hơn so với từ Trung Quốc, dù giá trị còn ở mức thấp hơn nhiều.
Nhận xét về Trung Quốc, Qima cho rằng "các xu hướng đa dạng hoá dài hạn về chuỗi cung ứng toàn cầu đang tiếp tục làm suy giảm vị thế thống lĩnh của nước này".
Báo cáo nói thêm: "Sự bật tăng mạnh mẽ của khối lượng hàng hoá được mua từ Trung Quốc trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái là không thể phủ nhận: nhu cầu kiểm tra đối với nguồn hàng từ Trung Quốc tăng 55% trong quý 1, nhưng điều này không đồng nghĩa với sự tăng trưởng nếu như so với thời kỳ trước đại dịch".