Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/4), sau khi đạt mức cao nhất 6 tuần trong phiên trước đó. Nỗi lo về phong toả trên diện rộng ở Ấn Độ và Brazil để chống chọi làn sóng Covid-19 đang tạm thời lấn át triển vọng lạc quan về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong mùa hè và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,31 USD/thùng, tương đương giảm 1,91%, còn 67,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York mất 1,43 USD/thùng, tương đương giảm 22,%, còn 63,58 USD/thùng.
“Nhu cầu tiêu thụ dầu hồi phục chưa đều và làn sóng đại dịch mới ở Ấn Độ và Brazil là một lời nhắc nhở đúng lúc rằng còn quá sớm để nói về một đợt tăng lên ngưỡng 70 USD/thùng”, một báo cáo của Energy Aspects định. Theo báo cáo này, giá dầu chỉ có thể đạt tới mức giá như vậy trong quý 3 năm nay, khi nhu cầu thực sự khởi sắc và lượng dầu tồn kho giảm xuống.
Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua, giá dầu Brent đã tăng 8%, còn giá dầu WTI tăng gần 10%.
Đây là tháng tăng thứ 5 của giá dầu trong vòng 6 tháng trở lại đây, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu gần như đã trở lại mức trước đại dịch, nhờ nỗ lực kích cầu của các Chính phủ và sự nới lỏng các biện pháp chống dịch ở nhiều quốc gia. Cùng với đó, việc liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga hạn chế sản lượng khai thác đã khắc phục tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia giúp cải thiện niềm tin về đi lại, theo đó hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Nhiều thành phố ở Mỹ đã dỡ phong toả, dẫn tới những dự báo về sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè. Tại Anh, doanh số bán xăng dầu đã gần đạt mức của mùa hè năm ngoái. Lượng tiêu thụ xăng dầu ở Trung Quốc trong dịp lễ 1/5 này cũng được dự báo ở mức cao.
“Niềm lạc quan mới này đang giằng co với những thách thức ở Ấn Độ, nơi làn sóng Covid thứ 2 dẫn tới việc các hạn chế đi lại mới được thiết lập”, một báo cáo của ngân hàng ANZ có đoạn viết.
Quốc gia đông dân thứ nhì thế giới đang chìm sâu trong khủng hoảng, với các bệnh viện và bãi thiêu xác quá tải, khi tổng số ca nhiễm từ đầu đại dịch tới nay đã vượt mốc 18 triệu vào hôm thứ Năm.
Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Nhật Bản trong tháng 4 tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2018 nhờ sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế được Nhật Bản áp dụng để chống lại làn sóng Covid mới đang phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.