Giống như những gì đã diễn ra suốt 2 thập kỷ qua, các tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – và của Chủ tịch Fed Jerome Powell – đang khiến nhà đầu tư băn khoăn về việc ngân hàng trung ương này sẽ hành động như thế nào trong chính sách tiền tệ. Kết quả là mức độ biến động trên thị trường tài chính tăng mạnh.
Trong tuần qua, có 3 phiên giao dịch mà chứng khoán Mỹ có sự biến động trong một phiên vào hàng mạnh nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Tâm trạng bất an của nhà đầu tư đã lên tới mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 vừa bắt đầu. Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) đo lường nỗi sợ hãi của thị trường đã duy trì trên mức 30 điểm trong 5 phiên gần đây, cao gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
GIÁ CỔ PHIẾU BIẾN ĐỘNG MẠNH VÌ FED
Ở “tâm” của cơn bão này là ông Powell – người vừa hôm thứ Tư tuần trước tái khẳng định kế hoạch bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 3. Và tệ hơn đối với các nhà đầu cơ cổ phiếu giá lên, người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới không hề xác nhận rằng chu kỳ tăng lãi suất này sẽ diễn ra từ từ.
Ngay lập tức, các tài sản được định giá lại: thị trường trái phiếu chuyển sang đặt cược vào khả năng Fed có 5 đợt nâng lãi suất trong năm 2022, bao gồm khả năng có một đợt nâng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 3 – điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2000.
Một bước nhảy lãi suất dài như vậy là khó xảy ra, và hầu hết thị trường đều tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần. Tuy nhiên, bước nhảy 0,5 điểm phần trăm đang được thị trường xem là có khả năng 20% sẽ trở thành hiện thực, và khả năng như vậy đã đủ lớn để các nhà giao dịch phải cân nhắc. Thế là thị trường chứng khoán rơi vào một cuộc “lên thác xuống ghềnh”.
“Ông ấy không chỉ để ngỏ khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong một lần, mà ông ấy còn hé lộ khả năng lần họp nào trong năm nay cũng tăng lãi suất. Ở Phố Wall bây giờ, chẳng mấy ai còn nhớ thị trường diễn biến như thế nào khi lạm phát trở thành vấn đề”, chiến lược gia Matt Maley của Miller Tabak + Co. phát biểu.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng hơn 2,4%, vừa đủ để tránh một tuần giảm thứ tư liên tiếp. Cả tuần, chỉ số tăng 0,8%. Với ảnh hưởng của diễn biến giá cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và cuộc họp Fed, S&P 500 biến động bình quân 3,4% mỗi phiên trong tuần, đánh dấu tuần “sóng gió” nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2020.
Phần lớn biến động này rơi vào các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn, nhóm được cho là dễ tổn thương nhất trong một chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Chỉ số Nasdaq 100 hoàn tất tuần giao dịch với mức tăng chỉ 0,1% - con số che giấu phía sau nó những biến động dữ dội nhất kể từ khi bong bóng dotcom vỡ tung.
FED THIẾU MINH BẠCH, NHÀ ĐẦU TƯ HOANG MANG
Đây không phải là lần đầu tiên nhà đầu tư đối mặt với sự thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, nhưng đã từ rất lâu họ không phải đứng trước sự thiếu minh bạch đến mức như thế này trong các ý định của Fed, ít nhất về tốc độ tăng lãi suất. Hồi năm 2015, Chủ tịch Fed khi đó là bà Janet Yellen nói rằng các điều kiện kinh tế “chỉ đủ để tăng lãi suất từ tốn”. Trước khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, Chủ tịch Fed ở thời điểm đó là ông Alan Greenspan nói sẽ hành động “với một tốc độ có thể vừa phải”.
Trong khi đó, ông Powell không đưa ra cam kết “từ tốn” hay “vừa phải” nào trong lần họp vừa rồi. Nói rằng “nghĩ đến” tăng lãi suất vào tháng 3, nhưng ông Powell liên tục nhấn mạnh Fed chưa có kế hoạch cụ thể nào cho thời điểm sau đó. Chủ tịch Fed chỉ nói rằng giới chức Fed sẽ “khiêm nhường” và “linh hoạt” trong điều chỉnh chính sách.
Đối với các nhà phân tích của Bank of America, mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong một lần để “ghìm cương” tốc độ lạm phát nóng nhất gần 4 thập kỷ là khả năng không thể loại trừ.
“Một Fed khiêm nhường và linh hoạt có thể biết rằng mức tăng 0,5 điểm phần trăm là hợp lý”, một báo cáo của Bank of America nhận định. “Nếu thị trường phản ánh mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong lần họp tháng 3, Fed sẽ hành động như vậy”. Theo báo cáo này, dù đây không phải là kịch bản chính, “chúng tôi xem khả năng này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực”.
Có một sự an ủi cho các nhà đầu tư: chỉ số VIX đang phản ánh sự bất an ở thời điểm hiện tại lớn hơn so với trong tương lai gần, và trạng thái này được gọi là nghịch đảo (inversion) – trái ngược với quy luật thường thấy. Trong tuần qua, VIX giao ngay cao hơn VIX kỳ hạn 3 tháng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư lo lắng về việc Fed tăng lãi suất mạnh tay hơn dự kiến cũng có thể được xoa dịu bởi sự lạc quan của ông Powell về triển vọng kinh tế Mỹ - theo nhà sáng lập Nicolas Colas của DataTrek Research. Ông Colas cho rằng, dù như vậy, nhà đầu tư vẫn phải đoán để tìm ra mức lãi suất chính xác, phục vụ việc tính toán định giá cổ phiếu phù hợp.
“Điều tốt đẹp duy nhất mà họ đưa ra cho nhà đầu tư là sự thật rằng nền kinh tế Mỹ đang vận hành mạnh mẽ. Như vậy, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ cao hơn trong năm 2022, hỗ trợ cho giá cổ phiếu và giá trái phiếu doanh nghiệp”, ông Colas nhận định. “Vậy đâu là mức lãi suất mà thị trường có thể tranh thủ để nắm bắt lợi nhuận đó? Đây chính là câu hỏi của lúc này, và có lẽ của cả năm nay”.