February 15, 2023 | 16:48 GMT+7

Bước tiến chậm mà chắc của thị trường kim cương nhân tạo

Băng Hảo -

Gần đây, ngành công nghiệp khai thác kim cương toàn cầu đang phải đối mặt với những cơn gió ngược, trong khi những viên kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã tạo dựng được dấu ấn ngày càng lớn trong ngành đá quý và trang sức…

Ảnh: National Jeweler
Ảnh: National Jeweler

Tại Ấn Độ, những khu chợ kim cương dần trở nên im ắng trong những tháng gần đây. Theo một ước tính sơ bộ của Hiệp hội Công nhân Kim cương Surat, trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Surat có khoảng 6.000 cơ sở đánh bóng kim cương, sử dụng hơn nửa triệu công nhân, đạt doanh thu hàng năm vào khoảng 21 - 24 tỷ USD. Nhưng gần đây, khoảng 10.000 công nhân làm trong ngành kim cương đã mất việc.

Alrosa - một doanh nghiệp khai thác kim cương thuộc sở hữu một phần của nhà nước Nga - cung cấp khoảng 30% kim cương thô trên toàn cầu. Đây là nguồn cung quan trọng đối với Ấn Độ - nơi nhập khẩu, cắt và đánh bóng 80 - 90% kim cương thô của thế giới. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt Nga do phương Tây áp đặt đã làm xáo trộn nguồn cung kim cương thô trên thế giới, và Surat cũng chịu ảnh hưởng. 

 
Những người trong ngành chỉ ra rằng, trên thị trường quốc tế, kim cương được đánh bóng chất lượng cao đang có giá cao hơn 20 - 30% so với trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ông Sanjay Kothari, một nhà công nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kim hoàn và đồng thời là Phó chủ tịch của tập đoàn sản xuất kim cương KGK Group nói với kênh DW rằng: "Việc thiếu nguồn cung kim cương thô đã khiến một số công ty đầu tư vào lĩnh vực nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm". Kim cương nhân tạo giống hệt kim cương tự nhiên về mọi mặt, ngoại trừ nguồn gốc của chúng. Chúng có các tính chất hóa học, vật lý và quang học giống như kim cương tự nhiên và cùng lấp lánh như nhau.

Các chuyên gia trong ngành cho biết khoảng 5 năm trước, chỉ có một số ít công ty nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm nhưng hiện nay, theo một báo cáo của Prabhudas Lilladher, số lượng này đã tăng lên rất nhiều. Dữ liệu của Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức Ấn Độ (GJEPC) cho thấy xuất khẩu kim cương trong phòng thí nghiệm từ Ấn Độ đã tăng khoảng 70% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2022 lên 622,7 triệu USD, trong khi kim cương khai thác giảm khoảng 3% xuống còn 8,2 tỷ USD trong cùng kỳ.

Pandora đã ra mắt bộ sưu tập kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm vào tháng 8 năm ngoái trên 269 cửa hàng ở Hoa Kỳ và Canada.
Pandora đã ra mắt bộ sưu tập kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm vào tháng 8 năm ngoái trên 269 cửa hàng ở Hoa Kỳ và Canada.

Theo GJEPC, quốc gia này đóng góp khoảng 15% sản lượng kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm toàn cầu. Trong khi đó, thị trường kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm toàn cầu được định giá 19,3 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến ​​đạt 49,9 tỷ USD vào năm 2030.

Nhà sản xuất trang sức lớn nhất thế giới Pandora mới đây đã công bố kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm kim cương nhân tạo sau khi khách hàng cho biết, họ thích ý tưởng này nhưng muốn có thêm sự lựa chọn, ông chủ của hãng cho biết. Pandora đã ra mắt bộ sưu tập kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm vào tháng 8 năm ngoái trên 269 cửa hàng ở Hoa Kỳ và Canada, cũng như trực tuyến sau khi ra mắt BST thử nghiệm nhỏ hơn ở Anh vào năm 2021. Kế hoạch này diễn ra sau khi hãng quyết định dừng bán kim cương khai thác.

Giám đốc điều hành Alexander Lacik cho biết tập đoàn hiện đang cung cấp tổng cộng khoảng 1.200 biến thể thiết kế, trong đó mới chỉ có 37 sản phẩm kim cương do phòng thí nghiệm tạo ra. "Chúng tôi gặp rất nhiều khách hàng ủng hộ kim cương nhân tạo nhưng chưa lựa chọn được thiết kế ưng ý", ông Alexander Lacik chia sẻ. "Vì vậy, bước tiếp theo là chúng tôi sẽ cung cấp một phạm vi thiết kế và sản xuất rộng hơn". Theo đại diện hãng trang sức, đó có thể là một phạm vi theo thời gian sẽ gấp mười lần kích thước hiện tại của các sản phẩm kim cương nhân tạo.

Bộ sưu tập kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm được lên kế hoạch triển khai thêm về mặt địa lý vào năm 2023, mặc dù Lacik từ chối cho biết quốc gia nào tiếp theo do tính nhạy cảm thương mại. Ông Lacik cho biết thị trường trang sức toàn cầu có trị giá khoảng 250 tỷ USD, trong đó kim cương tự nhiên chiếm khoảng 90 tỷ USD. “Nhiều khách hàng đến với Pandora ngày nay không phải là một phần của 90 tỷ USD đó. Đơn giản là do khủng hoảng kinh tế cần thắt chặt chi tiêu, họ không đủ khả năng chi trả cho một món trang sức từ kim cương được khai thác tự nhiên”.

Theo số liệu từ nhà phân tích Golan, dù sức mua tiếp tục tăng, kim cương nhân tạo vẫn chiếm thị phần khá nhỏ (khoảng 7%) trong thị trường kinh doanh kim cương toàn cầu. Tuy nhiên, một số tên tuổi lớn đã có kế hoạch thúc đẩy trào lưu tiêu dùng kim cương nhân tạo. Sau Pandora, Signet và Charles & Colvard - 2 nhãn hiệu trang sức danh tiếng ở Bắc Mỹ - đang tích cực ra mắt hàng loạt bộ sưu tập nữ trang từ kim cương nhân tạo, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách hàng.

Kim cương nhân tạo (trái) và kim cương tự nhiên giống nhau về mọi mặt, ngoại trừ nguồn gốc của chúng. 
Kim cương nhân tạo (trái) và kim cương tự nhiên giống nhau về mọi mặt, ngoại trừ nguồn gốc của chúng. 

Don O’Connell, Chủ tịch công ty Charles & Colvard, nhận định: “Khi tư duy tiêu dùng bền vững không ngừng phổ biến, việc công chúng bắt đầu ưa chuộng kim cương nhân tạo là điều không hề bất ngờ”. Hoạt động khai thác kim cương tự nhiên từ lâu đã bị chỉ trích, sau những cáo buộc bóc lột lao động vị thành niên và tình trạng mua bán bất hợp pháp ở một số mỏ kim cương. “Những năm qua, khái niệm trang sức cao cấp đã thay đổi không ít. Hiện thời, người tiêu dùng không chỉ chú tâm vào chất lượng mà còn cả nguồn gốc sản phẩm”, Sidney Nehaus, Giám đốc điều hành Kimaï - thương hiệu kim cương nhân tạo đang ghi dấu ở khu vực Âu - Mỹ, chia sẻ.

Nói cách khác, vẻ đẹp của một viên kim cương giờ đây không đơn thuần nằm ở giá trị vật chất nó đại diện mà còn phụ thuộc vào góc nhìn xã hội và môi trường. “Làm việc lâu năm trong ngành này, tôi thường được mọi người hỏi ý kiến về các phụ kiện trang sức. Tôi luôn có cùng một câu trả lời: Nếu bạn yêu nó, cảm thấy hạnh phúc khi đeo nó, vậy là đủ. Một chiếc nhẫn cưới đính kim cương biểu trưng cho sự gắn kết và tình yêu bền vững. Những giá trị tinh thần này quan trọng hơn hết, ai mà đi tò mò hỏi xem viên kim cương của bạn là tự nhiên hay nhân tạo cơ chứ”, chuyên gia kim hoàn Dan Moran bày tỏ. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate