May 26, 2022 | 14:24 GMT+7

Burberry tuyên bố ngừng sản xuất phụ kiện da thuộc

Minh Nguyệt -

Nếu như Hermès và Louis Vuitton thời gian vừa qua đồng loạt tuyên bố mở thêm nhà máy hoặc xưởng sản xuất cho các sản phẩm da thuộc exotic, thì Burberry mới đây lại thông báo ngừng sản xuất phụ kiện thời trang từ chất liệu này...

Đây là quyết định được tuyên bố tại cuộc họp báo cáo kết quả tài chính của năm 2021 của hãng thời trang Anh Quốc. Theo đó, bắt đầu từ năm nay, Burberry sẽ ngừng sử dụng các loại da thuộc exotic, trong khi tiếp tục sử dụng các loại da bò phổ biến hơn.

Như vậy, Burberry theo chân các thương hiệu lớn như Calvin Klein, Chanel, Victoria Beckham, Jil Sander, Mulberry và Vivienne Westwood trong việc tìm kiếm một chất liệu mới thân thiện với môi trường và bảo vệ động vật hoang dã. Đây là thành quả của 7 năm vận động từ PETA, hiệp hội vì quyền động vật. Hiệp hội này đã trở thành một cổ đông lớn của Burberry trong giai đoạn 2 năm đại dịch.

Từ trước đấy, PETA đã nhiều lần gây sức ép với Burberry trong việc chấm dứt sử dụng các nguyên vật liệu nguồn gốc động vật trong chế tác thời trang. Vấn đề này một lần nữa được đại diện PETA nêu lên trong cuộc họp cổ đông năm ngoái. Những năm gần đây, người ta quan niệm da thuộc từ bò, bê và heo là phụ phẩm (bi-product) của ngành chăn nuôi công nghiệp lấy thịt và sữa, do đó không tạo cảm giác vô nhân đạo và xâm hại quyền động vật như ngành chăn nuôi động vật hoang dã chỉ để lấy da thuộc exotic.

Đối với với những người hoạt động vì quyền động vật, lông thú và da thuộc exotic đều bị xem là nguyên vật liệu phù phiếm không cần thiết trong chế tác thời trang. Các thương hiệu thời trang xa xỉ đã chấp nhận cả hai trong nhiều thập kỷ, nhưng trong vòng năm năm qua, nhu cầu về lông thú đã giảm mạnh. Các thương hiệu như Armani, Alexander McQueen, Oscar de la Renta và thậm chí cả những tập đoàn như Kering đều từ bỏ việc sử dụng lông thú.

Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng da thuộc ít phổ biến hơn, ngoại trừ các thương hiệu được xây dựng đặc biệt dựa trên tính bền vững như Stella McCartney và Veja. Nhưng dư luận đang có xu hướng thay đổi xung quanh việc sử dụng da. Một cuộc khảo sát năm 2020 từ Vogue Business cho thấy 37% người tiêu dùng ở Anh và 23% ở Mỹ phản đối việc sử dụng bất kỳ loại da nào trong quần áo.

Danh mục đồ da của Burberry là một trong những phân khúc tăng trưởng cao nhất trong quý này, với mức tăng gần 30%.
Danh mục đồ da của Burberry là một trong những phân khúc tăng trưởng cao nhất trong quý này, với mức tăng gần 30%.

Vậy tại sao da vẫn được sử dụng nhiều trong thời trang? Có hai lý do: da thuộc khó thoái vốn hơn nhiều so với lông thú và công nghệ thay thế da vẫn còn khá mới. Lông thú vốn thường được sử dụng cho mục đích trang trí, chứ không quá cần thiết như một vật liệu chính cho ngành may mặc. Trong khi đó, da là chất liệu chính của nhiều phụ kiện thời trang như túi xách, giày dép, thắt lưng và cả áo khoác.

Sản phẩm da cũng là những mặt hàng kiếm tiền lớn cho các thương hiệu. Với Burberry, danh mục đồ da của thương hiệu là một trong những phân khúc tăng trưởng cao nhất trong quý này, với mức tăng gần 30%. Giờ đây, ngừng sử dụng da thuộc exotic cũng có nghĩa là thương hiệu phải tìm chất liệu thay thế. Và thường thì các chất liệu nhân tạo được dùng thay thế da phổ biến nhất là dầu mỏ hoặc nhựa. Những vật liệu đó lại mang tới những mối quan tâm riêng về tính bền vững của chúng.

Amanda Parkes, Giám đốc đổi mới tại Pangaia, nói với tờ Glossy: “Vấn đề mà rất nhiều dự án đổi mới vật liệu đang giải quyết hiện nay là xung quanh chất liệu da thuộc. Một loại da hoàn toàn thuần chay, không chứa chất tổng hợp và không chứa dầu mỏ vẫn còn là một khái niệm mới”. Tuy nhiên, đã có những bước nhảy vọt trong các lựa chọn thay thế da trong năm ngoái, nhiều trong số đó dựa trên thực vật hoặc nấm. MycoWorks, một công ty phát triển và bán da nấm, đã làm việc với Hermès vào năm ngoái, và Bolt Threads, một công ty da nấm khác, bắt đầu cung cấp da nấm cho Adidas và Lululemon.

Ngừng sử dụng da thuộc exotic cũng có nghĩa là các thương hiệu xa xỉ này phải tìm ra chất liệu thay thế.
Ngừng sử dụng da thuộc exotic cũng có nghĩa là các thương hiệu xa xỉ này phải tìm ra chất liệu thay thế.

Bà Catherine Roggero-Lovisi, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty vật liệu sinh học Modern Meadow các loại da làm từ thực vật có thể có các vấn đề về độ bền khiến chúng khó hiệu quả và hữu dụng. Vì vậy, nhiều lựa chọn thay thế khác, chẳng hạn như nguyên liệu protein được kỹ thuật hóa sinh học của Modern Meadow không có nguồn gốc từ thực vật hoặc dầu mỏ, cũng đang được ưa chuộng.

Bà Catherine cho biết: “Những vấn đề lớn nhất mà các lựa chọn thay thế da phải đối mặt là hiệu suất, khả năng mở rộng và tính khả dụng. Ngay cả những công ty tiên phong trong lĩnh vực chất liệu thay thế da như Modern Meadow hay MycoWorks rốt cuộc cũng chỉ mới vài năm tuổi. Tuy vậy, ở đâu có ý chí thì ở đó sẽ có phương pháp".

Năm 2021 là một năm phát triển vượt bậc của Burberry. Doanh số tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, và lợi nhuận tăng đến 38%. Cuộc họp báo cáo kết quả tài chính này cũng là cơ hội “ra mắt” quan trọng của ông Jonathan Akeroyd, tân tổng giám đốc điều hành Burberry. Cựu CEO Marco Gobbetti đã từ giã Burberry để đến với Salvatore Ferragamo từ đầu năm 2022.

Nhiều người nóng lòng muốn biết tân CEO sẽ có những chính sách nào để giúp thương hiệu nước Anh tăng trưởng. Ông Jonathan Akeroyd cho biết ông nhìn thấy cơ hội phát triển ở mảng sản phẩm “made in England”, ví dụ như các dòng áo khoác trench được may thủ công tại nhà máy ở Leeds, Anh Quốc. “Chúng tôi là một thương hiệu 166 năm tuổi và lịch sử này sẽ tiếp tục được khai thác”, ông nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate