Vitrolabs, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học ở California, đã tạo ra da bò từ quá trình nuôi cấy tế bào, đã quyết định cộng tác với tập đoàn Kering - công ty mẹ của Gucci để phát triển các lựa chọn thay thế chất liệu da động vật cho thời trang.
Kering là nhà đầu tư chính trong vòng tài trợ Series A mới nhất của Vitrolabs về phát triển sản phẩm và thuộc da. Thông báo về quan hệ đối tác được tính đến thời điểm đầu tư gần đây. Vitrolabs đã huy động được tổng cộng 46 triệu đô la từ các nhà đầu tư trong hai vòng do Agronomics, một công ty VC tập trung vào nông nghiệp tế bào, cũng như Bestseller’s Invest FWD, Khosla Ventures và nam diễn viên Leonardo DiCaprio dẫn đầu. Mục tiêu của công ty là xây dựng và mở rộng quy mô sản xuất thử nghiệm da bò nuôi cấy tế bào đầu tiên trên thế giới và đẩy nhanh việc thương mại hóa.
Sự hợp tác mới này một lần nữa thổi bùng lên làn sóng tìm kiếm các chất liệu thay thế da động vật. Đáng chú ý, đây là dự án đầu tiên tuyên bố “sản xuất da thật” – chứ không phải là một vật liệu giống da thật - nhưng không cần giết mổ động vật và không nảy sinh các tác động tới môi trường đất, khí thải hay rừng nhiệt đới. Ông Ingvar Helgason, Giám đốc điều hành, người đồng sáng lập công ty, cho biết Vitrolabs đã phát triển một kỹ thuật và công nghệ để tái tạo tế bào da bò trong phòng thí nghiệm từ năm 2016. “Chúng tôi cung cấp cho các tế bào một môi trường tương tự, nơi chúng có thể tạo ra một lớp da giống như chúng vẫn tạo ra trên cơ thể động vật, nhưng là trong phòng thí nghiệm".
Tin tức này xuất hiện sau khi tập đoàn đối thủ của Kering - LVMH thông báo hợp tác với Đại học Hoàng gia London và Central Saint Martins UAL để phát triển lông thú được nuôi trong phòng thí nghiệm, có khả năng thay thế cho lông thú thật từ lâu đã trở thành chất liệu cốt lõi của lĩnh vực xa xỉ. Có thể coi động thái này của Kering không chỉ là vì mục đích cạnh tranh mà quan trọng hơn là lời hứa cam kết bền vững. Khả năng tạo ra nguồn “da thật” nhưng không ảnh hưởng đến môi trường và giúp bảo vệ động vật có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành.
Ông Helgason cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là thực sự thay đổi nguồn gốc nơi bạn lấy da của động vật. Tính linh hoạt của chất liệu da thật đáng kinh ngạc, tính nghệ thuật và sự sáng tạo được thấm nhuần vào chất liệu đó trong quá trình thuộc da. Vì vậy, chúng tôi thực sự hào hứng khi có thể làm việc với các đối tác giàu kinh nghiệm như Kering, những người thực sự có thể mang lại những sáng tạo tốt nhất trong lĩnh vực mà chúng tôi đã tâm huyết đầu tư công nghệ”.
Marie-Claire Daveu, Giám đốc tổ chức và bền vững của Kering cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư vào Vitrolabs và đang hợp tác với họ để hỗ trợ phát triển vật liệu này bằng cách thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, thuộc da và hoàn thiện tại Kering. Cơ sở thử nghiệm dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm tới, sẽ phát triển đủ sản phẩm để tung ra thị trường. Cơ sở này hiện ở California, nhưng kế hoạch tương lai là đặt các cơ sở sản xuất quy mô lớn gần các xưởng thuộc da ở châu Âu và các nơi khác”.
Phía Vitrolabs cho biết, từ phòng thí nghiệm, da nuôi cấy tế bào sẽ trải qua một quá trình thuộc da và hoàn thiện giống như da truyền thống – nhưng được đơn giản hóa hơn nhiều vì da Vitrolabs không có mỡ thừa hoặc lông cần loại bỏ. Kering đã tham gia vào giai đoạn này để đảm bảo chất lượng và thông số kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thời trang. Bà Daveu nói: “Chúng tôi đã chia sẻ với họ kinh nghiệm và kiến thức của chúng tôi về chuỗi cung ứng và đã cùng nhau thử nghiệm các quy trình thuộc da và hoàn thiện khác nhau”.
Kering và công ty Vitrolabs hứa hẹn hoàn toàn minh bạch về đánh giá tác động môi trường sau khi quá trình hoàn thành. “Mục tiêu của dự án này là muốn chứng minh cho công chúng thấy rằng loại da này tốt hơn da truyền thống,” ông Helgason nói. “Kering và chúng tôi muốn giảm thiểu tác động đến môi trường nhiều nhất có thể, do đó sẽ có những phân tích kỹ lưỡng nhất và đảm bảo rằng sản phẩm chỉ được mở rộng sản xuất khi chúng thực sự bền vững”.