Chiều 1/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (sinh năm 1986, trú tại Tổ 5, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa trên sàn kinh doanh thương mại điện tử.
Liên quan vụ án, cảnh sát tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan, nguồn gốc hàng hóa cũng như toàn bộ doanh thu phát sinh của bị can Cường trên các nền tảng mạng xã hội khác để xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, Phòng cảnh sát kinh tế (Công an TP. Hà Nội) phối hợp với Cục Thuế TP. Hà Nội phát hiện Đỗ Mạnh Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… để bán điện thoại, phụ kiện.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của Cường đã phát sinh doanh thu rất lớn. Căn cứ tài liệu thu thập được, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) xác định là hơn 160 tỷ đồng, nhưng Cường đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế với số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, từ năm 2019 đến nay, Cục thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội tích cực tuyên truyền, nâng cao hiểu biết người dân về việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, chủ động giải đáp thắc mắc, khó khăn vướng mắc cho người dân trong việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động này.
Bản thân Đỗ Mạnh Cường cũng đã được cơ quan thuế làm việc, tuyên truyền, nhắc nhở nhưng Cương vẫn cố tình không chấp hành việc kê khai nộp thuế theo quy định. Thậm chí, đối tượng Cường thực hiện nhiều hành vi đối phó nhằm che giấu doanh thu, trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Theo Công an Hà Nội, thời gian tới, Phòng cảnh sát kinh tế (Công an TP. Hà Nội) tiếp tục phối hợp với Cục Thuế TP. Hà Nội tiến hành rà soát việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT HÀNG HÓA KINH DOANH TRÊN TIKTOK, FACEBOOK
Theo ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường cả nước, cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh. Đây cũng là thời gian các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường online.
Theo lực lượng chức năng, cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online. Do đó, trong cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024.
Ngoài ra, dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok…
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong thời đại bùng nổ thương mại điện tử, hành vi vi phạm trên các nền tảng này càng trở nên phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng môi trường trực tuyến để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm chủ yếu trên thương mại điện tử là: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; buôn bán thuốc lá điện tử, mỹ phẩm nhập lậu, quần áo, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vàng trang sức, xe môtô hai bánh vi phạm nhãn...
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Nguyễn Quang Huy, trong 10 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…). Từ đó, đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 257 vụ vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 7,1 tỷ đồng.
“Với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, người bán dễ dàng lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm”, ông Huy cho hay.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội Dương Mạnh Hùng cũng chỉ ra nhiều thủ đoạn phổ biến của các đối tượng vi phạm là lập nhiều tài khoản mạng xã hội và bán hàng qua hình thức livestream. Họ thường không công khai địa chỉ kinh doanh và sử dụng các cách lách qua bộ lọc kỹ thuật của các sàn thương mại điện tử để tránh bị kiểm soát. Các đối tượng thường xuyên thay đổi các hành vi vi phạm, chuyển kho hàng hóa về những địa điểm xa khu dân cư, đô thị để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Để kiểm soát thị trường trong những tháng cao điểm cuối năm đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường cũng như các đối tượng kinh doanh online qua các nền tảng Facebook, TikTok, đặc biệt chú trọng các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại mà tập trung là trên môi trường thương mại điện tử.