Công ty Syrius Robotics, có trụ sở tại Thâm Quyến, dự kiến sẽ cung cấp 3.000 robot vận chuyển hàng cho Nhật Bản mỗi năm trong vòng hai năm. Lượng đặt hàng này cao gấp 10 lần khối lượng hiện tại. Người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của Syrius là ông Adam Jiang, trước đó đã từng có thời gian làm tại Google và Nvidia.
Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Adam cho biết robot của công ty có thể điều hướng và di chuyển trong khoảng cách 1m, điều này giúp các robot có thể được sử dụng ở bất kỳ kho vận chuyển nào mà không cần sửa đổi quá nhiều.
Mùa hè năm ngoái, một kho logistics trên đảo Shikoku (phía tây Nhật Bản) đã vận hành 60 robot Syrius và số lượng nhân viên đã có thể giảm từ 90 xuống 40 người.
Theo ông Adam, robot của công ty đã được kiểm tra và chứng minh có thể hoạt động trong không gian nhỏ, dự tính sẽ đưa các nhà kho có diện tích khoảng 3.300 mét vuông là thị trường mục tiêu.
Trước đó, quy định giới hạn thời gian làm thêm giờ của tài xế xe tải xuống 960 giờ mỗi năm sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 4 này. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc thiếu tài xế để quản lý khối lượng vận chuyển trên toàn quốc. Đặc biệt, vấn đề này sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở các công ty vừa và nhỏ. Nếu robot có thể tiết kiệm nhân công và chi phí tại kho hàng thì sẽ có nhiều tài xế được tuyển dụng hơn. Điều này mang đến cơ hội cho ngành công nghiệp robot khổng lồ của Trung Quốc.
Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) báo cáo rằng khoảng 550.000 robot công nghiệp mới đã được lắp đặt trên toàn thế giới vào năm 2022. Dữ liệu IFR cho thấy, số lượng robot do Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất chiếm tới 52%. Các mẫu robot đa dạng, cộng với chi phí thấp hơn nhờ quy mô kinh tế mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế.
Bên cạnh đó, không ít các công ty Trung Quốc tìm cách sản xuất robot ngay tại Nhật Bản. Công ty Libiao Robotics cho biết họ đã hoàn thành việc khảo sát các địa điểm ở Nhật Bản để xây dựng nhà máy. Công ty đặt mục tiêu có cơ sở hạ tầng sẵn sàng để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu ở đây. Libiao, do CEO Xia Huiling thành lập vào năm 2016, cung cấp một loạt robot di động nhỏ hỗ trợ việc phân loại.
Khách hàng của Libiao bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com. Tại Nhật Bản, hơn 4.500 robot của công ty làm việc trong các nhà kho của Uniqlo, nhà sản xuất mỹ phẩm Orbis và các khách hàng khác.
Thêm một công ty Trung Quốc hoạt động tại đất nước mặt trời mọc là Quicktron. Công ty đã ra mắt robot di động tự động tại Nhật Bản vào tháng 9 năm ngoái. Các robot hoạt động theo cặp, trong đó một robot di chuyển các thùng theo chiều ngang trong nhà kho và robot còn lại nâng các thùng theo chiều dọc để đặt lên kệ.
Cai Xingshun, Giám đốc điều hành của công ty con Quicktron Japan cho biết: “Nếu thành công trong việc mở rộng sang Nhật Bản, chúng tôi có thể áp dụng robot ở các quốc gia khác”.
Các công ty Trung Quốc hoạt động tại Nhật Bản cũng đang tìm cách nâng cấp robot để có thể áp dụng vào chuỗi cung ứng trong nước. Dân số Trung Quốc đạt hơn 1,4 tỷ người vào cuối năm ngoái, tuy nhiên dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59 dự kiến sẽ giảm hơn 10 triệu người mỗi năm bắt đầu từ năm 2040. Nhật Bản sẽ là quốc gia đầu tiên trong quá trình già hóa dân số thử nghiệm robot nhằm thay thế lực lượng lao động.