Bằng nhiều cách, từ bán những tài sản xa xỉ cho tới cổ phần trong công ty niêm yết, bảng cân đối tài chính cá nhân của các “ông trùm” bất động sản Trung Quốc đã trở thành chìa khoá để nhà đầu tư xác định liệu công ty của các vị tỷ phú này có thực hiện được nghĩa vụ nợ hay không. Theo hãng tin Bloomberg, trong mấy tuần gần đây, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của ít nhất 7 công ty phát triển địa ốc Trung Quốc đã bỏ tiền túi để hỗ trợ công ty.
Những nỗ lực này cho thấy cuộc khủng hoảng thanh khoản lần này trong ngành bất động sản Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với những lần trước kia – khi các công ty vẫn có thể huy động tiền mặt bằng cách tung những đợt khuyến mãi để đẩy nhanh tốc độ bán nhà hoặc bán bớt những tài sản lớn của công ty. Hiện nay, khi doanh số bán nhà và giá nhà ở Trung Quốc cùng giảm mạnh, các ngân hàng ngại cho vay, và lợi suất trên thị trường trái phiếu quốc tế tăng mạnh, nhiều công ty phải dựa vào túi tiền của nhà sáng lập như một giải pháp cuối cùng.
Việc các tỷ phú bất động sản Trung Quốc phải dùng tiền cá nhân để cứu công ty trái ngược với những gì thường diễn ra ở các nước phương Tây, nơi quy định về trách nhiệm hữu hạn thường giúp bảo vệ tài sản cá nhân của người kiểm soát doanh nghiệp khỏi các chủ nợ. Ở Trung Quốc, ranh giới này không mấy rõ ràng – Bloomberg cho hay.
“Ở Trung Quốc, cơ quan chức năng có thể gây áp lực buộc cổ đông lớn hoặc cổ đông kiểm soát hoà tài sản cá nhân của họ vào tài sản công ty và xem những tài sản này là không thể tách rời. Đó một phần là do cổ đông kiểm soát, nhất là các nhà sáng lập, cũng thường xem tài sản công ty cũng là tài sản cá nhân của họ”, ông Zhiwu Chen, Giám đốc Viện châu Á Toàn cầu thuộc Đại học Hồng Kông, cho hay.
Ít nhất vào lúc này, động thái như vậy của các tỷ phú bất động sản Trung Quốc cũng khiến giới chủ nợ trái phiếu bớt lo.
Giá trái phiếu USD với lãi suất cuống phiếu 8,25% đáo hạn vào năm 2022 của China Evergrande Group đã tăng lên mức 30 cent/1 USD mệnh giá, từ mức thấp kỷ lục 22,7 cent cách đây một tháng. Giá trái phiếu này hồi phục sau khi Chủ tịch Evergrande, tỷ phú Hứa Gia Ấn bán bớt tài sản cá nhân và cầm cố cổ phiếu để vay tiền hỗ trợ công ty. Hiện chưa rõ số tiền mà ông Hứa bỏ ra cho Evergrande sẽ được sử dụng như thế nào, nhưng Evergrande đã ba lần thoát khỏi bờ vực vỡ nợ bằng cách thanh toán được lãi suất trái phiếu vào phút chót.
Trái phiếu của loạt công ty bất động sản lớn khác của Trung Quốc, gồm Sunac China Holdings, Guangzhou R&F Properties, Shimao Group Holdings, và CIFI Holdings Group cũng đồng loạt tăng sau khi có tin về hỗ trợ tài chính mà nhà sáng lập dành cho công ty.
Dưới đây là động thái bỏ tiền túi cứu công ty của một số tỷ phú bất động sản Trung Quốc thời gian gần đây, do Bloomberg điểm lại:
HỨA GIA ẤN, EVERGRANDE
Ông Hứa - người sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó ở một vùng nông thôn tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vươn lên xây dựng một trong những công ty bất động sản lớn nhất thế giới – đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc hối thúc dùng tài sản cá nhân để giải toả cuộc khủng hoảng nợ Evergrande.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, ông Hứa đã bơm gần 1,1 tỷ USD vào Evergrande trong thời gian từ tháng 7 đến nay. Số tiền này tương đương khoảng 1/8 khối tài sản ước tính đạt 7,7 tỷ USD của ông Hứa. Hiện chưa rõ khối tài sản thực sự của ông Hứa lớn như thế nào và có đủ độ thanh khoản để tạo ra một sự khác biệt lớn nào đối với tổng nghĩa vụ nợ lên tới hơn 300 tỷ USD của Evergrande hay không.
SUN HONGBIN, SUNAC
Sự nghiệp thăng trầm của tỷ phú Sun bao gồm một lần đi tù và một lần buộc phải bán lại một công ty bất động sản khác mà ông từng dự báo sẽ trở thành doanh nghiệp địa ốc lớn nhất Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của ông Sun, Sunac phát triển mạnh thông qua mua lại tài sản của các công ty địa ốc khác khi gặp khó khăn.
Ông Sun phải ngồi tù vào đầu thập niên 1990 sau khi bị buộc tội biển thủ công quỹ, nhưng bản án đó về sau đã được xoá. Nhiều nhà đầu tư cá nhân hâm mộ ông Sun vì phong cách thẳng thắn, những kế hoạch kinh doanh táo bạo, và khả năng vượt qua thách thức của ông. Khối tài sản ròng của ông Sun, theo ước tính của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, đạt khoảng 4,4 tỷ USD.
Gần đây, khi Sunac gặp khó về thanh khoản, ông Sun đã dùng tiền túi để cung cấp cho công ty khoảng 450 triệu USD tiền vay không lãi.
HUI WING MAU, SHIMAO
Sinh ở Phúc Kiến, ông Hui từng có thời gian làm bác sỹ ở nông thôn trước khi di cư sang Hồng Kông làm công nhân may. Ông trở về Phúc Kiến khi ngoài 30 tuổi và bắt đầu kinh doanh bất động sản bằng cách phát triển một trong những chuỗi khách sạn 3 sao đầu tiên ở Trung Quốc, cùng các dự án nhà ở và khu nghỉ dưỡng. Hiện nay, Shimao sở hữu một chuỗi khách sạn xa xỉ toạ lạc tại những khu đất “vàng” thuộc các thành phố lớn nhất Trung Quốc.
Trong khối tài sản cá nhân ước tính đạt 5,6 tỷ USD của ông Hui có 3 tầng trong toà nhà văn phòng đắt giá nhất thế giới The Center ở Hồng Kông. Ông đã dùng 3 tầng nhà văn phòng này làm tài sản thế chấp vay tiền hỗ trợ công ty. Ước tính, ông đã bơm cho công ty khoảng 181 triệu USD trong thời gian gần đây.
LIN ZHONG VÀ LIN FENG, CIFI
Không lâu sau khi tốt nghiệp Đại học Hạ Môn, vào năm 1992, Lin Zhong cùng một người em trai mở một công ty môi giới bất động sản. Chỉ hai năm sau, hai anh em họ Lin biến công ty môi giới này thành một công ty phát triển địa ốc. Năm 1998, khi Trung Quốc cho phép sở hữu nhà tư nhân, Lin Zhong đi đến một quyết định táo bạo là chuyển trụ sở công ty tới Thượng Hải để lấy đà mở rộng toàn quốc. Một người em trai khác của Lin Zhong là Lin Feng cũng gia nhập công ty của các anh sau khi học xong cao học.
Gần đây, Lin Zhong và Lin Feng đã rót khoảng 216 triệu USD tiền túi để giải toả căng thẳng thanh khoản trong công ty bất động sản CIFI của họ.
ZHANG LI VÀ LI SZE LIM, R&F
Sự kết hợp giữa Zhang Li, một cựu quan chức chính quyền ở Quảng Châu, và Li Sze Lim, một cựu thương nhân người Hồng Kông, là một hiện tượng hiếm gặp trong ngành bất động sản Trung Quốc. Họ trở nên nổi tiếng sau khi chung tiền mua một lô đất lớn ở ngoại ô Quảng Châu và sau đó bán lại, bỏ túi một khoản lãi khổng lồ.
R&F, công ty của ông Zhang và ông Li, tiến vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn vào năm 2007, khi R&F chi 2,9 tỷ USD để mua lại 77 khách sạn của Dalian Wanda Group. R&F hiện là nhà sở hữu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực khách sạn hạng sang, với 91 khách sạn đang hoạt động và 45 khách sạn khác đang được xây dựng.
Trong lúc công ty gặp khó khăn về tài chính trong thời gian gần đây, ông Zhang và ông Li đã cam kết cung cấp 1,027 tỷ USD vốn ngắn hạn cho công ty, bằng cách bán đi một công ty quản lý bất động sản thuộc quyền sở hữu của hai người.