Ngày 17/9/2024, tại Hà Nội, 80 đại biểu đến từ các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) cùng các đối tác Đức và Việt Nam đã trao đổi và chia sẻ kiến thức trong Hội thảo IKI Việt Nam thường niên 2024.
Trong bối cảnh các quốc gia chuẩn bị cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm tới, hội thảo với chủ đề "Công cụ kinh tế trong NDC 3.0" thảo luận về các cơ hội và tác động của các công cụ kinh tế trong việc thúc đẩy bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học.
Bà Carolin Voigt, Cố vấn Chính sách, Vụ Hợp tác quốc tế về Đa dạng sinh học, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng (BMUV), cho biết Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) là một phần quan trọng trong cam kết quốc tế về hỗ trợ tài chính cho biến đổi khí hậu của chính phủ Đức. Từ năm 2022, IKI được hợp tác thực hiện bởi Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu; Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng (BMUV); và Bộ Ngoại giao (AA) Cộng hòa Liên bang Đức.
Đối với Việt Nam, CHLB Đức xác định Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu do sở hữu đường bờ biển dài. Vì vậy, Đức cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện thực hoá các mục tiêu về khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển thị trường carbon và bảo vệ đa dạng sinh học.
Kể từ khi triển khai dự án đầu tiên vào năm 2008, Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI), với nguồn tài trợ từ Chính phủ CHLB Đức, đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Hiện nay, IKI đang tài trợ hơn 500 triệu Euro cho các dự án song phương với Việt Nam và các hoạt động nằm trong khuôn khổ các dự án vùng. Danh mục đầu tư của IKI tại Việt Nam hiện bao gồm 35 dự án song phương, khu vực và toàn cầu thuộc bốn lĩnh vực tài trợ: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn và phục hồi các bể chứa carbon tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.
"Chiến lược IKI đến năm 2030 sẽ ưu tiên các chủ đề trong 3 lĩnh vực, bao gồm: Chuyển đổi năng lượng; Khử carbon trong các ngành công nghiệp và Chuyển đổi di động. Đây là các lĩnh vực gây ra gần 70% lượng khí thải toàn cầu".
Tiến sĩ Philipp Behrens, Vụ trưởng Vụ Quỹ Môi trường Quốc tế (IKI).
"NDC Việt Nam đặt ra các yêu cầu tài chính cho từng biện pháp và phác thảo ngắn gọn những hành động cần làm. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng thêm các cơ chế đầu tư trong các NDC sắp tới. Việc liên kết các chính sách, giải pháp với các cơ chế đầu tư cụ thể có thể hướng dẫn các đối tác quốc tế và các nhà đầu tư tư nhân trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu", Tiến sĩ Philipp Behrens, Vụ trưởng Vụ Quỹ Môi trường Quốc tế (IKI), Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức (BMWK) hy vọng, và khẳng định IKI sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong đó có IKI trong việc hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vỡi quỹ tài chính khí hậu và tài chính xanh quốc tế.
“Chúng tôi đánh giá cao tính kết nối của các dự án trong khuôn khổ IKI. Mạng lưới các dự án IKI không chỉ có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm và kết nối chặt chẽ với nhau mà còn được tạo điều kiện để thiết lập sự hợp tác và đối thoại hiệu quả với các đối tác là Cơ quan Bộ, ngành chủ trì, phối hợp thực hiện dự án, cũng như với nhà tài trợ là Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức”, bà Trinh nói.
Ông Daniel Herrmann, Cố vấn trưởng của dự án Đầu mối IKI, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức – GIZ, cho rằng thực hiện IKI trên toàn thế giới cần quan tâm đáp ứng bình đẳng giới hoặc chuyển đổi công bằng giới. Đặc biệt, các dự án IKI cam kết thành lập Cộng đồng thúc đẩy thực hành Bình đẳng giới (CoP) tại Việt Nam nhằm thúc đẩy học tập, tạo điều kiện hợp tác, nâng cao tầm nhìn và thúc đẩy sự phối hợp giữa các dự án trong các phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi công bằng giới.
"Chúng tôi tin rằng việc thành lập CoP là nền tảng thúc đẩy cập nhật kiến thức trong tương lai và chia sẻ bài học kinh nghiệm về thực hành bình đẳng giới giữa các dự án IKI tại Việt Nam”, ông Daniel Herrmann nói.
Tại hội thảo, đại diện của 27 dự án IKI tại Việt Nam cũng đã chia sẻ quan điểm về cơ hội mà các công cụ kinh tế đối với khí hậu và đa dạng sinh học mang lại. Bài trình bày từ các cơ quan nhà nước và hoạt động thảo luận nhóm đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các công cụ kinh tế, không chỉ trong lộ trình khử cacbon của quốc gia mà còn trong các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của các dự án IKI.
Hội thảo IKI 2024 khép lại với những chia sẻ về các bài học quý giá và thúc đẩy tiềm năng hợp tác giữa các dự án, qua đó củng cố cộng đồng IKI ở Việt Nam và đóng góp vào nỗ lực của quốc gia trong việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu.