May 24, 2024 | 15:10 GMT+7

Thừa Thiên - Huế: Nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải

Chu Khôi -

Với mong muốn đi đầu về phát triển giao thông xanh, Thừa Thiên - Huế đang triển khai nhiều chương trình dự án, như hỗ trợ cung cấp vốn cho vay ưu đãi cá nhân mua sắm xe điện; đưa xe tải điện vào thu gom vận chuyển rác thải; lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời cho các trạm sạc xe điện…

Đưa xe tải điện vào thu gom và vận chuyển rác thải tại Thành phố Huế.
Đưa xe tải điện vào thu gom và vận chuyển rác thải tại Thành phố Huế.

Từ ngày 22 - 24/5/2024, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về điều chỉnh Cam kết Quốc gia Tự quyết định (NDC) từ thực hiện các sáng kiến phục hồi xanh.  

THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG XANH

Tại hội thảo, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Việt Nam đã phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi xanh và giảm thiểu carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Đến năm 2050, Việt Nam kỳ vọng sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện giao thông đường bộ chạy điện 100%, một bước quan trọng hướng tới đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 từ ngành giao thông vận tải.

Với mong muốn đi đầu về phát triển giao thông xanh, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của UNDP, Thừa Thiên - Huế đã đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.

Một số dự án có thể kể đến, như thí điểm “Hỗ trợ cung cấp vốn cho vay ưu đãi cá nhân mua sắm phương tiện xe điện” cho người dân tại tỉnh; triển khai 6 xe tải điện điểm thí điểm thu gom rác thải tại TP. Huế được tài trợ bởi UNDP; nghiên cứu thử nghiệm chính sách về giao vận xanh đối với nhân viên giao hàng giao hàng bằng xe máy tại TP. Huế; lắp đặt 4 hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời cho các trạm sạc xe điện.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Theo ông Minh, năm 2023, TP. Huế đã tiếp nhận 6 xe tải điện bốn bánh chuyên dùng thu gom rác thải do UNDP tài trợ. Số xe tải điện điện này đã giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) sử dụng để vận hành, thu gom rác thải trong thành phố. Việc thí điểm sử dụng xe điện chuyên dùng thu gom rác trên địa bàn thành phố là cơ sở để nhân rộng, tiến tới thay thế dần các phương tiện thu gom rác thủ công, thay thế xe tải động cơ đốt trong nhằm giảm lao động nặng nhọc và độc hại trong lĩnh vực môi trường trên toàn bộ địa bàn tỉnh.

Thực hiện Dự án thúc đẩy giao thông bằng điện nhằm phát triển giao thông xanh tại thành phố Huế của UNDP, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế được lựa chọn là đơn vị thực hiện gói cung cấp các khoản vay ưu đãi hỗ trợ các cá nhân để mua xe đạp điện hoặc xe máy điện. Chương trình triển khai từ năm 2023, với số tiền cho vay 10 triệu đồng/hộ, lãi suất 0% và thời hạn vay là 18 tháng. 

Không chỉ được vay vốn, các hộ vay được tổ chức về lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh; kỹ năng quản lý, sử dụng nguồn vốn vay theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, giúp phụ nữ có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với nguồn vốn thực tế và hạn chế những rủi ro có thể phát sinh. Đồng thời, hướng dẫn học viên quản lý, chi tiêu trong gia đình hợp lý, sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích; xây dựng kế hoạch chi tiêu theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính.

Sau một thời gian triển khai, nhiều hội viên cho rằng mức vay 10 triệu đồng/người vẫn chưa đáp ứng nhu cầu để mua xe điện theo giá của thị trường. Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tìm kiếm các chính sách hỗ trợ từ các doanh nghiệp để tăng số tiền cho vay lên mức 20 triệu đồng/người, đồng thời mở rộng cho đối tượng shipper vay vốn để mua xe điện.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, các đại biểu sẽ có chuyến đi thực tế đến nhiều địa điểm khác nhau ở TP. Huế, trong đó có Công ty Lữ Hành Quốc tế TNHH Motorcycle Việt Nam, nơi có dàn xe điện do UNDP hỗ trợ, và Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế để tìm hiểu về trạm sạc pin năng lượng mặt trời và xe điện chở rác.

Các điểm thực địa tiếp theo gồm: Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trạm xe đạp chia sẻ để thúc đẩy các phương án giao thông thân thiện với môi trường. Chuyến tham quan kết thúc tại lăng Gia Long, nơi người tham gia sẽ trải nghiệm hệ thống xe điện và xe đạp được sử dụng cho du khách để tham quan di tích.

SÁNG KIẾN ĐIỀU CHỈNH VÀ PHỤC HỒI XANH

Chia sẻ tại hội thảo, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết để đối phó với những thách thức kép về phục hồi sau đại dịch Covid-19 và giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu, điều chỉnh NDC dựa trên các chiến lược phục hồi xanh đã trở thành lộ trình mang tính sống còn thúc đẩy phát triển bền vững. Để hỗ trợ mục tiêu này, UNDP đã khởi xướng một dự án hỗ trợ thí điểm cho 5 quốc gia gồm —Benin, Albania, Ecuador, Việt Nam và Jordan.

 

"Các quốc gia thí điểm dự án phục hồi xanh đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm điều chỉnh chính sách, chính sách tài chính, nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức để lồng ghép NDC vào các nỗ lực phục hồi xanh của mình".

Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.

Sáng kiến này tập trung vào việc tận dụng quá trình cập nhật, thực hiện các mục tiêu NDC để thúc đẩy quá trình phục hồi hiệu quả, công bằng và bền vững, qua đó nêu bật vai trò quan trọng của Thỏa thuận Paris và các công cụ thực hiện Thỏa thuận này, như NDC, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) và các Chiến lược giảm phát thải dài hạn (LTS). 

“Cần tích cực theo đuổi các nỗ lực phục hồi xanh và kinh tế xanh cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, theo định hướng của SDG và Thỏa thuận Paris”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh, đồng thời khẳng định cam kết chính trị vững chắc từ các Chính phủ và sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân có vai trò rất quan trọng để đạt được một nền kinh tế xanh và có khả năng chống chịu, từ đó tận dụng NDC để đảm bảo các nguồn lực quốc gia và quốc tế nhằm củng cố và thực hiện các nỗ lực này.

Phiên tọa đàm tại hội thảo.
Phiên tọa đàm tại hội thảo.

Trong 3 ngày, hội thảo có các phiên thảo luận chuyên sâu về điều chỉnh các biện pháp chính sách NDC phù hợp với kế hoạch phục hồi sau COVID-19, và tài chính NDC với tài chính phục hồi. Hội thảo cũng có các phiên thảo luận để các nỗ lực phục hồi xanh đáp ứng giới tốt hơn và bao trùm hơn.

Hội thảo sẽ đưa ra các đề xuất để xây dựng chương trình trong tương lai, trong đó tích hợp các bài học kinh nghiệm từ dự án thí điểm. Hơn nữa, hội thảo còn hướng tới phát triển các mạng lưới hợp tác quốc tế về NDC và phát triển bền vững.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate