Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành là bằng mức lương cơ sở, hiện là 1,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo chủ trương bỏ lương cơ sở khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, dự thảo Luật sửa đổi đã không còn quy định này.
CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THÊM CHO NHÓM HƯỞNG LƯƠNG HƯU THẤP
Nhiều chuyên gia an sinh xã hội nêu góp ý, khi không còn mức lương hưu tối thiểu, vẫn cần đảm bảo có một mức sàn an sinh để người về hưu đủ sống.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, nhìn nhận những lo ngại nếu không còn mức lương hưu tối thiểu khiến nhiều người về hưu khó khăn hơn là có cơ sở. Tuy nhiên, ông cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội của chúng ta hiện nay theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng thấp hưởng thấp, đóng cao hưởng cao. Vì thế, trong trường hợp người nhận có mức hưởng quá thấp thì cần có chính sách an sinh khác hỗ trợ thêm để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Theo ông Huân, thực tế nếu giữ mức lương hưu tối thiểu như hiện nay thì Nhà nước vẫn phải bù ngân sách hỗ trợ thêm, về lâu dài cũng không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, do đó cần xem xét, tính toán lại.
Trường hợp khi bỏ đi lương hưu tối thiểu thì vẫn cần có một mức sàn an sinh. Mức này sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và từng thời kỳ để xem xét điều chỉnh cụ thể bao nhiêu.
“Đây là sàn an sinh chứ không phải sàn lương hưu, nhằm hỗ trợ cho người có lương hưu thấp. Mức này cần xem xét dựa trên nhiều yếu tố, mức sống dân cư từng thời kỳ, tình hình kinh tế - xã hội. Từ đó, các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu để tính toán cho phù hợp”, ông Huân góp ý.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng để mở rộng diện thụ hưởng chính sách lương hưu cần đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp nhiều người tham gia hơn. “Với cách thức này, người không có điều kiện đóng cao thì đóng thấp, để sau này có lương hưu, dù mức hưởng có thể khiêm tốn, nhưng vẫn hơn không có gì”, nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến cho rằng cần có mức lương hưu tối thiểu để người lao động đủ sống tại thời điểm nghỉ hưu, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII, nhấn mạnh đây là vấn đề vĩ mô cho xã hội, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Thực tế, với mức lương hưu không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người về hưu vẫn đi làm là khá phổ biến.
“Chúng ta thường hay nói đi làm sau tuổi nghỉ hưu cho vui, cho khỏe. Đây cũng là một lí do, nhưng đại đa số đi làm vì lương hưu không đủ sống, đặc biệt với những người nghỉ hưu trước năm 1995, hiện đang có mức hưởng rất thấp. Thậm chí, kể cả với cán bộ trí thức khoa học - thuộc nhóm hưởng cao hơn nhưng vẫn không đủ sống”, bà An chia sẻ.
Do đó, theo chuyên gia, đây là câu chuyện cần nhìn nhận thấu đáo, với chính sách bao trùm, để khi người lao động về hưu có lương hưu tối thiểu đủ sống. Mặc dù vậy, bài toán này sẽ không thể giải quyết chỉ trong “ngày một ngày hai”.
KHÔNG ĐỢI ĐẾN GIÀ MỚI LO VỀ CHẾ ĐỘ AN SINH
Cũng nhiều năm nghiên cứu chính sách công, GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích nếu xét về mặt kỹ thuật, mức hưởng của người về hưu tính bằng tỷ lệ hưởng, nhân với mức đóng góp trung bình. Tỷ lệ hưởng dựa vào số năm đóng góp, do đó, số năm đóng thấp thì tỷ lệ hưởng rất thấp.
Theo ông Long, để mức lương hưu tối thiểu đảm bảo cuộc sống, thì mức đóng trung bình cần cao lên nhằm bù đắp lại. Như vậy, thế khó với những người có thu nhập thấp thì mức đóng thấp, cộng với thời gian đóng ít hơn, chắc chắn lương hưu không thể cao.
“Đây là lí do cần diễn giải các câu chuyện chi tiết, rõ ràng ngay từ ban đầu. Đơn cử, khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chỉ muốn đóng góp 10 - 15 năm thì cần xác định rõ tỷ lệ hưởng bao nhiêu. Nếu muốn hưởng cao hơn thì phải đóng ở mức khác, tùy vào khả năng chịu được mức đóng này. Tôi nghĩ đó là những vấn đề cần làm rõ trong các quy định liên quan. Bởi thực tế có nhiều người lao động còn rất mù mờ về việc mức đóng được điều chỉnh thế nào, tỷ lệ hưởng ra sao”, ông Long ví dụ.
Trở lại với câu chuyện vì mức lương hưu thấp khiến nhiều người sau nghỉ hưu vẫn phải đi làm, ông Long dẫn số liệu thực tế hiện nay, người cao tuổi Việt Nam có đến 30% dựa vào thu nhập từ việc làm của chính mình, 30% khác là dựa vào con cái hỗ trợ, chỉ 15% dựa vào lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội.
Còn theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, cũng chỉ có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chiếm 20,7% tổng số người cao tuổi.
Hiện Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2035, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20% dân số.
Trong khi đó, xu hướng xã hội hiện nay ngày càng có ít con hơn. Vì thế, ông Long cho rằng nếu theo hướng này, phần 30% hỗ trợ từ con cái sẽ ngày càng giảm đi. Cùng với đó, sự độc lập giữa bố mẹ và con cái ngày càng lớn, rõ ràng đây là vấn đề cần nhìn nhận, nếu không tăng được mức hỗ trợ từ an sinh xã hội.
Chuyên gia cũng thừa nhận, thực tế không phải mọi người lao động đều sẵn sàng làm việc sau tuổi nghỉ hưu, mà bởi cần có thêm thu nhập để đảm bảo an sinh cho chính họ. Vì vậy, tạo ra việc làm cho người cao tuổi sau khi về hưu, để họ không bị phân biệt tuổi tác, có công việc tử tế, ổn định cũng là bài toán cần được tính đến.
“Vai trò của các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội cần được nâng cao hơn. Ý tôi muốn nói là cần thúc đẩy người lao động lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ, chứ không phải đợi đến 45 – 50 tuổi mới bắt đầu lo thì không kịp”, GS. TS Giang Thanh Long nêu quan điểm.
Để mở rộng diện thụ hưởng an sinh xã hội, hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang quy định giảm năm đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng nhiều ý kiến lo ngại mức hưởng lương hưu sẽ rất thấp.
Đồng quan điểm với các nhận định “lương hưu thấp nhưng có còn hơn không” đã đưa ra trước đó, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), nói đề xuất nhằm hướng đến các đối tượng bắt đầu tham gia hệ thống an sinh xã hội khi đã lớn tuổi, chẳng hạn từ 40 - 45 tuổi trở lên. Bởi thực tế, nếu để nhóm này tích lũy đủ 20 năm đóng là rất khó.
“Tôi tin rằng không ai muốn đóng bảo hiểm xã hội chỉ đủ 15 năm để hưởng lương hưu. Chúng ta nên xác định, sau này khi về già không còn khả năng lao động để tạo thu nhập, thì lương hưu sẽ là nguồn kinh phí để đảm bảo cuộc sống tốt hơn. Nếu chỉ mong muốn đóng 15 năm thôi, tôi nghĩ sau này đến khi về già, cầm đồng lương hưu lúc đó sẽ có những ngậm ngùi nhất định”, ông Đỗ Ngọc Thọ băn khoăn.
TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng việc giảm năm đóng là chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng mức lưởng lương hưu không đủ sống, cần có sự hỗ trợ thêm của nhà nước, bằng một chính sách về lương hưu tối thiểu đối với những người có mức hưởng thấp.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng – hưởng bảo hiểm xã hội cao, tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới. Hiện tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam.
Mặc dù, tỷ lệ đóng - hưởng cao, nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao, nên phần lớn người lao động sau khi về hưu có mức lương hưu thấp.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763.000 người hưởng lương hưu, trung bình mỗi năm khoảng 109.000 người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 55% người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 đến dưới 7 triệu đồng/tháng.