July 23, 2024 | 09:00 GMT+7

Các tỉnh Bắc Trung Bộ "lệnh" khẩn ứng phó bão lũ

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ, lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã ban hành công điện yêu cầu nhằm triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương...

Tại Thanh Hóa, từ đêm ngày 20 đến 7 giờ ngày 22/7 có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa đến mưa to.

Vùng thượng du Thanh Hóa phát sinh sạt lở đất trên một số tuyến giao thông, điểm dân cư. Tại xã biên giới Na Mèo huyện Quan Sơn có gần 2 ha lúa, sắn, ao nuôi thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn; đường giao thông liên thôn bản bị sạt lở tại 4 vị trí; Nhà văn hóa bản Xộp Huối cùng 2 hộ gia đình trong bản bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá; 20m kè tại bản Sa Ná bị sạt lở, 110m ống nhựa dẫn nước bị cuốn trôi do mưa lũ.

Được biết, tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 6.000 hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và 2.211 hộ dân đang sống khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, chủ yếu tại 11 huyện miền núi như, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh…

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, toàn tỉnh có 6.037 phương tiện/21.691 lao động. Tính đến chiều nay (22/7), có 5.377 phương tiện/17.957 lao động đã neo đậu tại bến. Hiện còn 660 phương tiện/3.734 lao động đang hoạt động trên biển; cụ thể, tại khu vực Vịnh Bắc Bộ 654 phương tiện/3.674 lao động; Nam Biển Đông 6 phương tiện/60 lao động.

Tàu thuyền của ngư dân huyện Hậu Lộc vào Kênh De tránh bão số 2
Tàu thuyền của ngư dân huyện Hậu Lộc vào Kênh De tránh bão số 2

Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 2 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương.

Hiện, các huyện, thị xã, thành phố ven biển đang tích cực phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Công điện số 15 yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa và các công trình cơ sở hạ tầng.

Tại Nghệ An, tỉnh này hiện có 3.415 tàu thuyền đánh cá, tổng số lao động khai thác hải sản 16.578 người, trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 8.329 người. Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đánh bắt trên biển mỗi khi có áp thấp nhiệt đới, hoặc bão, công tác thông tin liên lạc và kêu gọi tàu thuyền về bờ kịp thời luôn đặt lên hàng đầu đối với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Ngày 22/7, UBND tỉnh Nghệ An ban hành công điện số 25 chỉ đạo ứng phó thiên tai, bão lũ. Công điện khẩn với nội dung yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Nhiều thủy điện ở Nghệ An chủ động xả nước để phòng chống bão số 2 và mưa lũ, tỉnh ra công điện chỉ đạo ứng phó thiên tai. Ảnh: Hoàng Phạm
Nhiều thủy điện ở Nghệ An chủ động xả nước để phòng chống bão số 2 và mưa lũ, tỉnh ra công điện chỉ đạo ứng phó thiên tai. Ảnh: Hoàng Phạm

Cùng ngày tại khúc cua chân đỉnh dốc Chuối trên quốc lộ 16 thuộc địa phận xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An tiếp tục sạt lở, nứt, lún mặt đường do mưa lớn.

Trước đó, mặt đường đoạn dốc Chuối bị sụt lún, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện đi qua. Vì vậy, Công ty CP Quản lý và Xây dựng cầu đường (Sở GTVT tỉnh Nghệ An) đã có thông báo đóng đường, tạm dừng lưu thông tất cả các phương tiện qua đoạn quốc lộ 16 này kể từ 17 giờ 30 phút chiều 18-7.

Hạt Quản lý đường bộ Quế Phong cùng cơ quan chức năng cũng đã lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, huy động nhân công chở vật liệu đến lấp các điểm sạt, lún đường.

Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, UBND các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh; Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, bến cảng đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đặc biệt là tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.

Lãnh đọa các địa phương này kiểm tra, rà soát và có biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển, đê cửa sông chịu ảnh hưởng của sóng, triều cường, trong đó đặc biệt lưu ý các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý dứt điểm, các công trình đang thi công dở dang. Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh kiểm tra và chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho khách du lịch tại các khu du lịch ven biển của tỉnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate