Theo thông tin từ Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai, trong 3 ngày từ 19/7 đến sáng 22/7, Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa, tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Bát Xát (Lào Cai) 165mm; Phình Hồ (Quảng Ninh) 210mm; Mường Lống (Nghệ An) 248mm; Ba Dinh (Quảng Ngãi) 171mm; Đắk R’Lấp (Đắk Nông) 197mm...
BÃO SỐ 2 SẼ GÂY MƯA LỚN DÀI NGÀY
Mưa lớn đã và đang gây thiệt hại tại nhiều địa phương. Cụ thể, tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái mưa lớn, sạt lở đêm 20/7 và ngày 21/7 đã khiến 11 nhà bị hư hỏng do sạt lở taluy dương. Về thủy lợi: 2 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng thiệt hại (Lào Cai).
Về giao thông, sạt lở taluy dương tại 1 điểm trên Quốc lộ 4 và một số điểm tuyến tại Đường tránh 152 khối lượng đất đá sạt khoảng 1.500m3 (Lào Cai); 9 điểm tại Quốc lộ 32 sạt lở khoảng 2.100m3 đất đá (Yên Bái).
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống, xử lý thông tuyến giao thông do sạt lở và tiếp tục rà soát thống kê, tổng hợp thiệt hại.
"Dự báo từ đêm 22/7 đến đêm 23/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến: Khu vực ven biển và Đông Bắc Bắc Bộ 100-200mm, có nơi trên 250mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị".
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai.
Những ngày qua, địa bàn tỉnh Nam Định xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích lúa vừa gieo cấy đã bị ngập úng, nguy cơ mất trắng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, trên địa bàn toàn tỉnh, đã có 37.000ha lúa mùa ngập sâu do mưa lớn, tập trung nhiều nhất ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực. Hầu hết các địa phương có diện tích ngập úng lớn đã vận hành 100% công suất các trạm bơm để phục vụ tiêu úng, cứu lúa. Tuy nhiên, do mực nước sông dâng cao khiến công tác tiêu úng gặp nhiều khó khăn.
Trong khi nhiều địa phương chưa khắc phục xong hậu quả do mưa lớn gây ra, thì cơn bão số 2 đang sắp đổ bộ vào đất liền trong những ngày tới, sẽ gây mưa lớn dài ngày. Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, vào lúc 7 giờ sáng 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo đến 7 giờ sáng 23/7, vị trí tâm bão ở 21,3 độ Vĩ Bắc, 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Đến 7 giờ sáng 24/7, vị trí tâm bão sẽ ở 21,9 độ Vĩ Bắc, 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Dự báo ngày và đêm 22/7, khu vực Vịnh Bắc Bộ có gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, giữa và nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2,0-3,5m.
NHIỀU HỒ CHỨA XUỐNG CẤP, 49 TRỌNG ĐIỂM ĐÊ XUNG YẾU
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến sáng ngày 22/7, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 47.676 tàu/192.818 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh, trong đó 936 tàu/5.814 người hoạt động tại vịnh Bắc Bộ.
Cục Thủy lợi cho hay, hiện tại Bắc Bộ có tổng số 2.543 hồ chứa, dung tích đạt 65-94% dung tích thiết kế. Trong đó, hiện có 120 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 77 hồ chứa đang thi công. Tại Bắc Trung Bộ tổng số có 2.323 hồ chứa, dung tích đạt 42-64% dung tích thiết kế; hiện có 140 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 63 hồ chứa đang thi công.
Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 49 trọng điểm đê điều xung yếu (Quảng Ninh 2, Thái Bình 8, Hải Phòng 10, Nam Định 08, Ninh Bình 16, Hà Tĩnh 5); 4 công trình đang thi công (2 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh và tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng, đê cửa sông Tả Thái, tỉnh Nghệ An).
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện lúa hè thu có khoảng 170.000 ha, đang giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng và trỗ. Diện tích lúa Mùa hiện có khoảng 960.000 ha, đang ở giai đoạn đẻ nhánh.
Chỉ đạo ứng phó bão số 2 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã ban hành 2 công văn về việc đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu cá và ứng phó mưa lớn (công văn số 700/ĐĐ-ƯPKP ngày 19/7/2024 và số 702/ĐĐ-ƯPKP ngày 20/7/2024).
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về việc ứng phó bão số 2, mưa lũ để đảm bảo an toàn đê điều (công văn số 703/ĐĐ-QLĐĐ ngày 21/7/2024).
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024, trong đó tập trung tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trong các nhà không bảo đảm an toàn tại khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, trong đó lưu ý các trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí xảy ra sự cố chưa được xử lý, khắc phục, các công trình thi công dở dang, đặc biệt là các cống qua đê; hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng.