Ngày 19/7, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Thuận (SN 1981, ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) mức án 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm 2010, bị cáo bị phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do bị cáo phạm tội trong thời gian thử thách, HĐXX quyết định tổng hợp bản án cũ, Thuận phải chấp hành hình phạt chung là 16 năm tù giam.
Trước đó, năm 2011, Cơ quan CSĐT- Công an quận Hoàng Mai nhận được đơn thư của một số cá nhân có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Đài Loan, Canada tố cáo Thuật có hành vi chiếm đoạt tiền.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc một cách an toàn. Người lao động cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cấp. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép trên trang điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Quá trình điều tra xác định, CTCP thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Nội Tico do Thuận làm giám đốc, chuyên ngành nghề tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm..
Thuận tìm hiểu thì biết Trung tâm xuất nhập khẩu – Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA được cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đang tuyển người lao động trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Lợi dụng thông tin trên, khoảng tháng 5/2010, Thuận nảy sinh ý định lừa gạt những người nhẹ dạ để chiếm đoạt tiền.
Vào tháng 7/2010, bị cáo gặp ông Nguyễn Đức H. đang công tác tại Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Hải Dương và ông Nguyễn Hữu P. (ở Hà Nội). Thuận đã giới thiệu với 2 ông này là Công ty Tico đang hợp tác tuyển người lao động đi Đài Loan, Nhật Bản, Canada cho Tổng công ty cơ khí xây dựng. Do tin tưởng Thuận nên 2 ông này đã giới thiệu một số người thân quen đến Công ty Tico. Ngoài ra một số người khác đã đến công ty nhờ Thuận làm thủ tục đi xuất khẩu lao động.
Khi gặp người lao động, Thuận đưa ra chi phí để làm hồ sơ từ 10 triệu đồng – 150 triệu đồng/1 trường hợp. Bị cáo cam kết từ 6-8 tháng kể từ khi nộp hồ sơ và tiền lệ phí, người lao động sẽ được làm việc tại Nhật Bản hoặc Đài Loan tùy theo nguyện vọng. Nếu quá thời hạn cam kết, bị cáo sẽ trả lại tiền.
Từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2011 có 20 người nộp tiền và hồ sơ cho Thuận với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được Thuận sử dụng vào mục đích cá nhân.
Đến hạn các bị hại không được đi như hứa hẹn đã gặp lại Thuận yêu cầu trả lại tiền song bị cáo khất lần. Đến cuối năm 2011, bị cáo mới trả lại số tiền 523 triệu đồng, sau đó bỏ trốn vào Ninh Thuận sinh sống. Đầu năm 2019, Thuận bị bắt theo lệnh truy nã.
Cơ quan điều tra xác minh tại Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động – Thương binh- Xã hội thể hiện Công ty Tico không có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tổng công ty COMA cũng xác định không liên kết, phối hợp với đơn vị nào để tuyển chọn cung ứng người lao động đi xuất khẩu lao động.
Tại tòa, một số bị hại cho biết ở gần nhà bị cáo. Gia đình bị cáo có điều kiện không trả lại tiền. Còn các bị hại rất khổ sở vì sau nhiều năm vẫn chưa nhận được tiền.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định hai ông H. và P. không được hưởng lợi từ việc giới thiệu người lao động cho Thuận nên không bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, nhiều lao động thường dễ bị sập bẫy bởi các đối tượng “cò mồi”. Để ngăn ngừa những rủi ro, tổn thất cho người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc một cách an toàn. Người lao động cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có giấy phép hoạt động do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cấp. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép trên trang điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.