February 01, 2024 | 08:00 GMT+7

Cần 130.000 tỷ đồng giải tỏa thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ, ưu tiên đền bù một số vị trí

Anh Tú -

Bộ Giao thông vận tải cho biết kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ trên cả nước rất lớn, ước tính khoảng 129.277 tỷ đồng. Do đó, hiện chỉ ưu tiên đền bù, giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ tại những vị trí nút giao, điểm đen giao thông...

Tình trạng người dân được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với hành lang an toàn đường bộ khá phổ biến.
Tình trạng người dân được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với hành lang an toàn đường bộ khá phổ biến.

Cử tri Hòa Bình vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí thực hiện hoàn thành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; phần đất bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên các tuyến đường 229 và đường quốc lộ uỷ thác.

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hòa Bình nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết về việc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cắm mốc lộ giới, thỏa thuận điểm đấu nối; xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ; rà soát, thống kê, phân loại kinh phí dự kiến để thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ.

 

Do kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ trên cả nước rất lớn, ước tính khoảng 129.277 tỷ đồng, ngày 08/11/2017, Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 12559/BGTVT-KCHT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, đường bộ.

"Tại Văn bản số 1024/VPCP-CN ngày 27/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo hướng chỉ đền bù, hỗ trợ, giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ tại những vị trí khu vực nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông có công trình, cây cối nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến an toàn giao thông", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục tổ chức thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ, giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí khu vực nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi thực hiện công tác bảo trì hoặc đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng trên hệ thống đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 29/12/2023, Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 15217/BGTVT-KCHT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trong thời gian tới, cho phép tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trong cả nước theo quy định của pháp luật, trong đó có các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hòa Bình và hệ thống đường 229 theo ý kiến của cử tri đã nêu.

Tình trạng người dân được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với đất đường bộ và hành lang an toàn đường bộ khá phổ biến. Điều này khiến công tác xử lý ngăn chặn vi phạm hành lang an toàn đường bộ gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận, thời gian qua, hàng ngàn hộ dân sinh sống hai bên đường, tuyến quốc lộ xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, chủ yếu nhà ở kiên cố trên diện tích phần đất ở hợp pháp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất có giấy tờ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã ở đây trước khi triển khai dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, tuy nhiên, sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch xây dựng mới thì đến nay, các hộ dân vẫn chưa được đền bù để di dời đến nơi ở mới. 

Hơn nữa, nhiều trường hợp vi phạm nằm trong phần đất hợp pháp chưa đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình xây dựng lấn chiếm, sử dụng đất công trong hành lang an toàn đường bộ, bám đường để kinh doanh, cơi nới, lấn chiếm hàng lang an toàn giao thông. Dù chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí xử lý vi phạm nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.

Ngoài những trường hợp trên, còn nhiều hộ dân cố tình vi phạm thường xuyên lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để họp chợ, bày bán hàng quán, biển quảng cáo, tập kết vật liệu xây dựng... trên các tuyến đường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate