Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2023.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, các chính sách tài khoá, thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã kéo dài từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tính riêng năm 2022, thuế VAT đã giảm từ 10% xuống 8% với hầu hết các mặt hàng có mức thuế 10%; gia hạn các tiền thuế phải nộp để hỗ trợ thanh khoản, dòng tiền cho doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân; giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu về mức sàn.
"Quy mô của các hỗ trợ này trong năm 2022 lên tới 233.000 tỷ đồng. Đây là con số chưa từng có trong tiền lệ", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, do đó, ngay từ những tháng cuối năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuẩn bị, nghiên cứu, đề xuất hàng loạt các giải pháp về chính sách tài khoá, thuế để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, với chính sách gia hạn nộp thuế, cơ quan này đã có kiến nghị và sẽ có báo cáo với Chính phủ theo thẩm quyền để xem xét quyết định, trên cơ sở đó tiếp tục hỗ trợ dòng tiền linh hoạt, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục chính sách giảm tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp trong năm 2023.
Đối với thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, cơ quan này cũng tiếp tục đề xuất giảm và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có quyết sách với việc này.
"Về cơ bản, Bộ Tài chính đã đề xuất các chính sách về thuế phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023, tương tự như chính sách đã áp dụng trong năm 2022", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói và cũng đưa ra lưu ý, những chính sách áp dụng trong năm 2023 sẽ có điều chỉnh phù hợp nhưng tất cả đều trên tinh thần thực hiện tiếp tục các chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết đã sẵn sàng xây dựng các kịch bản khác nếu như tình huống năm 2023 có những diễn biến, có tác động tiêu cực. Song song với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành nhịp nhàng các chính sách về tiền tệ cũng như chính sách vĩ mô khác để đảm bảo cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.