Đó là hai dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Theo thống kê của Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng cát san lấp dùng cho đoạn Cần Thơ – Cà Mau vào khoảng 18 triệu m3.
Tuy nhiên, trên thực tế, lượng cát tập kết về chỉ được khoảng trên 2% tổng khối lượng so nhu cầu. Đây được cho là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Dự án này có tổng chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư hơn 27.254 tỷ đồng; trong đó, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài hơn 37 km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng, được điều chỉnh lên 10.370 tỷ đồng. Chiều dài tuyến nối 9,2 km và đoạn thuộc địa bàn TP. Cần Thơ dài 0,6 km.
Tính tổng thể toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Bộ Giao thông vận tải cho biết cần khoảng 15 triệu m3 cát san lấp; trong đó năm 2023 cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp, năm 2024 cần khoảng 5 triệu m3 cát đắp. Nếu không thu xếp đủ nguồn cung cấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành hai dự án thành phần này.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, trong tổng số khoảng 5 triệu m3 cát san lấp cho các công trình thuộc hai dự án đi qua địa phận Cần Thơ, địa phương này đã thu xếp và tìm đủ 3,5 triệu m3 cát.
Cụ thể, TP. Cần Thơ đã làm việc với tỉnh An Giang, nơi có trữ lượng cát lớn và tỉnh này đã đồng ý dành cho hai địa phương là Cần Thơ và Hậu Giang khai thác hai mỏ cát có trữ lượng trên 7 triệu m3. Với khối lượng dồi dào như vậy, phần cát san lấp phục vụ cho các dự án cao tốc qua Cần Thơ cơ bản đã được giải quyết.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành phố là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.
Dự án này gồm 4 dự án thành phần đi qua mỗi tỉnh/thành. Dự án thành phần 2 đi qua địa phận Cần Thơ dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2023 và hiện đã hoàn lập và thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng và trình thẩm định dự kiến vào cuối tháng 4/2023. Dự án cần khoảng 18 triệu m3 cát san lấp… Tuy nhiên, nguồn cung tại chỗ không đủ để bù đắp vào nhu cầu do sản lượng khai thác cát sông còn hạn chế.
Trước đó, vào tháng 8/2022, Tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất nghiên cứu dùng cát biển dùng vật liệu san lấp thay thế nguồn cát sông đang rất khan hiếm. Địa phương này hiện có trữ lượng cát biển lên đến hàng tỷ m3.
Đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã có chỉ đạo Ban Mỹ Thuận tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp đưa cát biển vào thi công san lấp thay thế cát sông phục vụ các dự án cao tốc. Trước mắt sẽ thí điểm triển khai dùng cát biển làm vật liệu san lấp đắp nền đường tại dự án thành phần cao tốc Hậu Giang – Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, sắp tới nếu thuận lợi sẽ cho áp dụng đại trà dùng cát biển thay cát sông tại các dự án còn lại nêu trên và sẽ khai thác, sử dụng cát biển tại bốn địa phương An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long.