March 24, 2023 | 06:51 GMT+7

Phê duyệt dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với 43 gói thầu

Xuân Nghi -

Dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua địa phận tỉnh An Giang có tổng trị giá hơn 10.500 tỷ đồng, vừa được phê duyệt với tổng cộng 43 gói thầu…

Dự án cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ có tổng chiều dài 188 km; trong đó đoạn đi qua tỉnh An Giang dài 57 km vừa được UBND tỉnh An Giang phê duyệt gồm 43 gói thầu với tổng giá trị hơn 10.500 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ có tổng chiều dài 188 km; trong đó đoạn đi qua tỉnh An Giang dài 57 km vừa được UBND tỉnh An Giang phê duyệt gồm 43 gói thầu với tổng giá trị hơn 10.500 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa có quyết định phê duyệt dự án thành phần 1 cao tốc Châu Dốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Tuyến cao tốc đoạn đi qua tỉnh An Giang có chiều dài 57,014  km (đoạn qua An Giang dài 56,434 km và đoạn qua Cần Thơ dài 0,58 km).

Dự án có điểm đầu tại Km0+314 kết nối vào tuyến quốc lộ 91 mới xây dựng, thuộc địa phận thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang và điểm cuối tại Km57+328,32, kết nối với dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc, thuộc địa phận huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ.

Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là 13.526,2 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.406,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2027. Dự kiến khởi công xây lắp vào tháng 6/2023.

Dự án có bề rộng mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô cao tốc sáu làn xe với bề rộng Bnền/Bmặt=32,25 m/30,75 m. Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe hạn chế với bề rộng nền đường Bnền/Bmặt =17 m/16 m.

Dự án thành phần 1 có tổng cộng 43 gói thầu với tổng giá trị gần 10.510 tỷ đồng, trong đó có bốn gói thầu xây lắp. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết, tùy theo gói thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu từ tháng 3 - 7/2023 theo hình thức chỉ định thầu thông thường, hay chỉ định thầu rút gọn. Thời gian thực hiện hợp đồng từ 20 ngày đến 1.260 ngày.

Toàn tuyến cao tốc có ba nút giao, 33 cây cầu và dự kiến sẽ bố trí một trạm dừng nghỉ với diện tích khoảng 5 ha. Trước mắt, trong giai đoạn này, trạm dừng nghỉ chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng và chưa đầu tư xây dựng.

Quyết định phê duyệt giao chủ đầu tư là Ban quản lý (Ban quản lý) Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành của nhà nước về đấu thầu, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các quy định pháp luật có liên quan. Ban quản lý đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và Uỷ ban nhân dân tỉnh phạm vi các quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Quyết định phê duyệt cũng yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ và hiệu quả kinh tế của gói thầu; không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí cũng như sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về việc chỉ định thầu, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu: Đối với các gói thầu xây lắp không bao gồm các gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, việc chỉ định thầu  phải bảo đảm tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán của gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng). Phải tuân thủ quy định tại khoản 2 điều 1 Nghị quyết số 91/NQ-CP của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Toàn tuyến cao tốc sẽ có một trạm dừng nghỉ và giai đoạn hiện tại, trạm dừng nghỉ chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng và chưa đầu tư xây dựng.
Toàn tuyến cao tốc sẽ có một trạm dừng nghỉ và giai đoạn hiện tại, trạm dừng nghỉ chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng và chưa đầu tư xây dựng.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành phố là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 44.690 tỷ đồng. Dự án này cùng với dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là các tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã được Chính phủ tập trung đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án gồm 4 dự án thành phần và được Chính phủ giao cho các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.

Sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thì ngoài những lợi ích chung mà dự án mang lại là kết nối và phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang còn được hưởng lợi, góp phần quan trọng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh, thu hút thêm lượng du khách đến các khu du lịch của An Giang, đặc biệt là khu du lịch chùa bà Núi Sam – Châu Đốc.

Ngoài ra, dự án góp phần quan trọng trong việc chia sẻ lưu lượng xe trên tuyến quốc lộ 91 hiện đang quá tải, xuống cấp và thường xuyên bị sạt lở.

 

Về việc chỉ định thầu, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Đối với các gói thầu xây lắp không bao gồm các gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, việc chỉ định thầu  phải bảo đảm tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán của gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate